Dự thảo trên tay: Lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi sẽ bị phạt nặng

Cùng tìm hiểu về một dự thảo nghị định được cho là có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, các lễ hội và hoạt động quảng cáo, đó là dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo thuốc lá

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Tăng mạnh xử phạt các vi phạm trong lễ hội 

Về mặt kết cấu, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gồm 5 chương với 82 điều về các quy định chung, các hành vi vi phạm hành chính về văn hóa và quảng cáo, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Cụ thể, từ Điều 6 đến Điều 10, quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó, khoản 5, Điều 7 quy định hành vi nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến sẽ bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng.

Với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khoản 5, Điều 16 quy định hành vi ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế mà không có giấy phép bị phạt từ 15-30 triệu đồng.

Đặc biệt, nhiều hoạt động vi phạm trong lễ hội cũng được điểm danh và có mức xử phạt tăng lên đáng kể. Cụ thể khoản 2, Điều 17 quy định, hành vi đổi tiền lẻ có chênh lệch giá tại lễ hội bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Riêng hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, gọi hồn, xem bói nhằm trục lợi bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Dự thảo cũng để xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực khác như trùng tu di tích, khảo cổ học. Cụ thể, khoản 4, Điều 27 quy định xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ.

Về lĩnh vực quảng cáo, điểm a, Điều 39 cũng quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo thuốc lá; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên…

Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và ý kiến nhân dân. Hiện dự thảo đã được trình Chính phủ ban hành sau khi đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. 

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) từng gây xôn xao dư luận vì hoạt động “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” 

Không bỏ qua cho các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nếu được ban hành sẽ có tác động xã hội như thế nào, có khắc phục tình trạng vi phạm tràn lan trong lĩnh vực văn hóa, lễ hội và quảng cáo?

Phóng viên VOVGT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định về nội dung này:

 

PV: Được biết Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang soạn thảo chuẩn bị trình nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của dự thảo này?

Ông Lê Thanh Liêm: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lần này có rất nhiều điểm mới. Một là sửa đổi gần 300 hành vi trên cơ sở 500 hành vi đã được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hiện hành.  Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện ảnh, vì Luật đầu tư đã bỏ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp sản xuất phim, tương tự với đó thì cũng phải bỏ hành vi xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm điều kiện kinh doanh đối với sản xuất phim trong Nghị định xử phạt. Rồi các lĩnh vực khác trong lĩnh vực văn hóa.

Còn đối với lĩnh vực quảng cáo trước đây được quảng cáo các loại bia rượu dưới 15 độ, hiện nay theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia thì chỉ được quảng cáo đối với rượu, bia dưới 5 độ. Vì vậy và Nghị định cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 

Ngoài ra, đối với hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa để trục lợi, mức xử phạt quá thấp. Theo Nghị định hiện hành thì chỉ phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, trong nghị định này thì đã nâng hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi lên cao hơn rất nhiều, từ 15 đến 20 triệu. 

PV: Như ông vừa đề cập thì lâu nay một số hành vi lợi dụng hoạt động như lên đồng, xem bói, gọi hồn diễn ra tương đối phổ biến và một trong những nguyên nhân là do chế tài xử phạt tương đối nhẹ, vậy thời gian tới, điều này sẽ tác động như thế nào đến các hoạt động vi phạm?

Ông Lê Thanh Liêm: Nếu như ta nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên thì chắc chắn là sẽ tác động rất lớn đến thực tiễn, mà cái này đã được thực tế chứng nh rồi.

Ví dụ vừa rồi chúng ta có Nghị định 100 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, chúng ta nâng mức phạt lên thì tình trạng vi phạm giao thông giảm đi rất nhiều. 

PV: Ông có ý kiến như thế nào khi mà các chế tài xử phạt hiện nay dường như mới chỉ hướng đến những cá nhân vi phạm, còn tổ chức để hoạt động vi phạm đó vẫn diễn ra thì các chế tài xử phạt dường như chưa hướng tới?

Ông Lê Thanh Liêm: Tôi không cho việc đấy là khiếm khuyết của pháp luật. Bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì khi có các hành vi vi phạm thì xử phạt không chỉ đối với cá nhân mà đối với cả tổ chức nữa.

Thực tiễn trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì không chỉ phạt đối với cá nhân, mà có xử phạt cả đối với tổ chức nữa.

Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính thì cũng quy định rất rõ là xử phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi so với cá nhân, trong lĩnh vực văn hóa thì mức tối đa là 50 triệu nhưng đối với tổ chức là 100 triệu, trong lĩnh vực quảng cáo thì đối với cá nhân là 100 triệu, nhưng đối tổ chức tối đa là 200 triệu.

Ảnh nh họa: PLO

Không còn tình trạng mập mờ, để lọt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Các quy định mới nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào đến hoạt động văn hóa và quảng cáo diễn ra tràn lan lâu nay? Phóng viên VOVGT đã có buổi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

 

PV: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, bà đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo nghị định này? 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Dự thảo này là rất cần thiết, bởi vì trước đây đã có những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên, có một số hành vi vi phạm được quy định chưa rõ ràng, còn bỏ lọt các hành vi vi phạm.

Quy định trong dự đã khắc phục được cơ bản những thiếu sót khi mà dự thảo mới này đã quy định một cách khá đầy đủ các lĩnh vực như: về điện ảnh, thư viện, các hành vi quảng cáo… thì tôi thấy tương đối là toàn diện rồi.

PV: Lâu nay thực tế xảy ra tình trạng lợi dụng hoạt động gọi hồn, xem bói, mê tín để trục lợi. Theo bà có nguyên nhân nào từ chế tài xử phạt quá nhẹ không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nghĩ đấy cũng là nguyên nhân chính, bởi vì việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động truyền bá mê tín dị đoan diễn ra rất nhiều, vẫn cứ núp bóng các hoạt động tâm linh.

Trong các nghị định cũ thì chế tài xử phạt lại quá nhẹ, nhưng trong dự thảo nghị định mới này thì tôi thấy đã nâng mức xử phạt lên. Ví dụ, đối với các cá nhân có tham gia hành vi mê tín dị đoan thì bị xử phạt từ 3-5 triệu và tổ chức thì bị phạt gấp đôi.Như vậy thì mức phạt đã được nâng cấp, thể hiện sự quyết liệt hơn rất nhiều. 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên rà soát để bổ sung thêm hành vi môi giới mê tín dị đoan, bởi vì bên cạnh các hành vi tổ chức, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan thì thực tế là còn có hành vi môi giới mê tín dị đoan.

PV: Với những chế tài tăng nặng và bổ sung cái còn thiếu sót như bà vừa đề cập thì thời gian tới liệu lợi dụng hoạt động gọi hồn, mê tín dị đoan như bà vừa đề cập có tạo sự chuyển biến hay không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi hy vọng rất lớn sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức lễ hội. Tuy vậy, nó chỉ có thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ với những điều kiện cụ thể.

Ví dụ, khi chúng ta ban hành nghị định mới thì cũng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa trong việc không tổ chức, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan.

Bởi vì tôi thấy trong quá trình công tác, tham gia nhiều đoàn giám sát của Quốc hội về tổ chức lễ hội thì thấy nhiều khi ngay cả cán bộ làm trong lĩnh vực này cũng chưa có sự phân biệt rạch ròi đâu là các hoạt động tâm linh, đâu là các hoạt động tín ngưỡng theo truyền thống và giới hạn của nó với mê tín dị đoan và nhiều khi người ta cảm thấy rất e ngại động chạm đến vấn đề tâm linh.

Chừng nào ta chưa tuyên truyền được một cách sâu rộng và đặc biệt là trong đội ngũ những người thi hành thì rất khó khăn trong việc xử phạt.

Điều quan trọng nữa, nước ta trung bình mỗi  năm có khoảng 8.300 lễ hội, cho nên phải tăng cường bộ phận thanh tra thì mới có thể làm tốt, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trong các lễ hội.

Sau 7 năm thi hành Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Chính phủ đã tách 2 lĩnh vực du lịch và thể thao thành 2 nghị định riêng, đồng thời việc ra đời hàng loạt các Luật như: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Thư viện… khiến cho việc dẫn chiếu các quy định cũ nhằm xử lý các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gặp nhiều khó khăn, thậm chí quy định bị lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội.

Dự thảo Nghị định Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo, đang trình Chính phủ được cho là sẽ giúp khắc phục các bất cập đó.

---

Bạn có góp ý gì cho Dự thảo Nghị định này? Mời bạn chia sẻ qua hotline 02437.91919 hoặc qua fanpage VOV giao thông hoặc qua trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 13h15, Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên FM91, trên Spotify, Aple Podcast (đối với IOS) và Google Podcast (đối với hệ điều hành Android).