Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi (Bài 1): Vẫn chưa có cách nhận diện xe hợp đồng điện tử

VOVGT - Theo một số ý kiến, dự thảo lần này chưa giải quyết hết những bất cập, kiến nghị của các DN vận tải, đặc biệt là của các DN taxi truyền thống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định số 86 sửa đổi quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo một số ý kiến, dự thảo lần này chưa giải quyết hết những bất cập, kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là của các doanh nghiệp taxi truyền thống khi phân định taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.

Các ý kiến đều cho rằng, đây là 2 loại hình có bản chất hoạt động như nhau nhưng chế tài quản lý hoàn toàn khác nhau, gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Mở đầu chuyên đề: “Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, vẫn chưa rõ cách quản lý xe kinh doanh theo hợp đồng điện tử”, chúng ta cùng đến với ghi nhận của phóng viên chương trình về những khó khăn khi nhận diện xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ theo dự thảo Nghị định 86.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, vẫn chưa rõ cách quản lý xe kinh doanh theo hợp đồng điện tử. Ảnh: Người lao động

Tại khoản 2, Điều 7, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “Xe hợp đồng”; phải niêm yết chữ “xe hợp đồng” hoặc “xe hợp đồng điện tử”. Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết chữ “xe hợp đồng điện tử”.

Tuy vậy, ngoài quy định về những dòng chữ này, dự thảo Nghị định không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn mào giống xe taxi như đề xuất trước đó của các Hiệp hội taxi cũng như một số chuyên gia. Điều này dẫn đến tình trạng, rất khó phân biệt xe hợp đồng điện tử với xe cá nhân. Đây cũng là mấu chốt khiến các Hiệp hội taxi Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bức xúc.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, quy định về nhận diện đối với loại hình xe hợp đồng điện tử rất mơ hồ, trong khi quy định về nhận diện đối với xe taxi điện tử (là loại hình tương tự) thì quy định rất rõ ràng: phải gắn hộp đèn taxi điện tử:

 

"Bộ nhận diện bé chỉ bằng cái đồng xu, lớn hơn đồng xu 1 tí, nó không thể bé hơn được nữa, dán ở chỗ không thể khó nhìn hơn được nữa, ở dưới gương. Và 11 tuyến phố cấm, cứ xe chạy vào trong đó là bóc phù hiệu cất đi để chạy vào phố cấm, trong khi trên 1 tuyến phố cấm, trên thì đề biển cấm taxi hoạt động từ giờ này đến giờ này, ở dưới lại thêm biển nữa là cấm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ".

Việc không phải gắn mào như taxi, không có bộ nhận diện rõ ràng đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ không chỉ gây bất bình cho các doanh nghiệp taxi, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp taxi Thành Công (Hà Nội) cho rằng, nếu có bộ nhận diện rõ ràng, chẳng hạn như có biển số màu vàng, có mào như taxi thì trên các biển cấm chỉ cần cấm xe kinh doanh vận tải, như vậy, vừa văn nh, thẩm mỹ và súc tích:

 

"Bây giờ không nhận diện rõ ra thì nó lại trở lại câu chuyện cũ, là không định danh được và khó cho cơ quan quản lý về quy hoạch, khó cho các doanh nghiệp về cạnh tranh không bình đẳng. Nó lại trở lại câu chuyện cũ thôi, cái đó đương nhiên không thể ổn được".

Đại diện Hiệp hội taxi Tp. HCM cũng cho rằng, việc không có bộ nhận diện xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ cũng dẫn tới tình trạng lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông gặp rất nhiều khó khăn vì không thể xác định đâu là xe Grab, Uber vì xe của họ như xe tư nhân, không thể nhận dạng … nên không thể xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh các văn bản pháp luật đối với loại hình xe dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải theo hợp đồng hoặc hợp đồng điện tử. Bởi thực tế thời gian qua, dù Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ lưu thông trên một số tuyến phố, song lực lượng chức năng rất khó phân biệt khi các phương tiện này cố tình lưu thông vào đường cấm:

 

"Xe sử dụng phần mềm Grab hoạt động như taxi cần quy định rõ các điều kiện bắt buộc phải tuân theo nhằm phân định rõ bằng hình thức ghi bên ngoài để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý dễ nhận biết cũng như quản lý tốt hơn".

Không chỉ phản ứng vì xe hợp đồng điện tử thiếu dấu hiệu nhận biết, gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp taxi truyền thống, một số ý kiến cũng cho rằng, việc phân định taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ cũng là bất công cho các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Theo một số ý kiến, bản chất hoạt động của 2 loại hình này là như nhau, cần quy định quản lý giống nhau. Những nội dung này sẽ được chũng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.