Du lịch Việt Nam: Niềm vui và hiện thực

Du lịch Việt Nam sẽ dần phục hồi theo đà khống chế hoàn toàn được dịch bệnh của chúng ta. Nhưng để phát triển du lịch, không phải chỉ dựa vào những chính sách kích cầu, hay quảng bá rầm rộ, hoành tráng, mà cần có sự thay đổi của cả hệ thống chính sách, nhân lực, hạ tầng cơ sở, điểm đến an toàn

Những chính sách mở cửa, thông thoáng, tạo điều kiện tối đa để thu hút du khách quốc tế cùng sự chủ động của ngành du lịch trong đón bắt thời điểm là một trong những yếu tố giúp Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng đầu trong việc mở cửa với khách du lịch quốc tế.

Sau hơn 2 năm chịu đựng sự tàn phá của dịch bệnh, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa rồi, tại các trung tâm du lịch nổi tiếng, chúng ta đã thấy xuất hiện hình ảnh du khách nước ngoài thoải mái thăm thú cảnh quan. Tuy chưa nhiều, nhưng rõ ràng đây là những hình ảnh quen thuộc và chúng ta mong muốn có lại từ lâu.

Ghi nhận thực tế, trong tháng vừa qua nhiều đoàn khách từ các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc đang trở lại Việt Nam, bên cạnh các thị trường mới như Mông Cổ, Kazakhstan, Ấn Độ... Trong ngày 29/4, Đà Nẵng đón 220 khách Hàn Quốc đầu tiên trở lại sau dịch. Trước đó Hội An, TP HCM đón đoàn gần 130 khách Mỹ.

Phú Quốc là một trong những điểm đến yêu thích của du khách quốc tế

Khẳng định sự sẵn sàng trong việc đón du khách nước ngoài tới Việt Nam, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch cho biết: Hiện nay tất cả các điểm du lịch trên lãnh thổ Việt Nam đều an toàn, đủ điều kiện đón khách. Trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện cho khách du lịch đến Việt nam một cách thuận tiện nhất cả về thị thực, kết nối hàng không, an toàn dịch bệnh.

Đánh giá cao những chính sách mới, thông thoáng hơn, đặc biệt về những quy định y tế, giúp khách “không ngại” khi chọn Việt Nam làm điểm đến, bà Lê Mai Khanh – Phó chủ tịch hiệp hội khách sạn Việt Nam cho rằng: Để khách vào Việt Nam một cách đông nhất, thuận lợi nhất thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào Việt Nam. Gần đây có quy định mới của Bộ Y tế đối với du khách vào Việt Nam, tôi nhận thấy đã rất thông thoáng, chỉ yêu cầu có hộ chiếu vacine và xét nghiệm PCR trước 72 giờ, và vào Việt Nam không phải cách ly… đó là điều kiện rất tốt.

Du lịch Việt vẫn cần phải có sự thay đổi từ nội tại mới có thể thu hút được du khách

Bày tỏ sự vui mừng khi Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn với thị trường du lịch nước ngoài, nhưng ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng kiến nghị cần có những chính sách thông thoáng hơn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn: 'Tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là đơn giản hoá chính sách, đó chính là cách giúp đỡ doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai phòng chống dịch COVID, chúng ta thấy rằng vô cùng gian khổ, mỗi địa phương một quy định, nên muốn khôi phục phát triển cũng rất khó khăn.

Vì vậy, qua thời gian vừa rồi chúng tôi thấy rằng có rất nhiều việc có thể rút được kinh nghiệm từ quản lý nhà nước cho đến hoạt động của các doanh nghiệp'.

Bên cạnh những niềm vui của người làm du lịch khi thị trường mở cửa thì việc tỉnh táo nhìn nhận lại thực trạng của hoạt động du lịch cũng đã được nhiều địa phương, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhìn nhận một cách thực tế. Điển hình như Quảng Ninh, một trong những địa phương vẫn giữ được đà tăng trưởng của du lịch, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trên phạm vi cả nước.

Theo ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc đánh giá đúng tiềm năng cũng như chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhân lực phục vụ, hạ tầng cơ sở là điều quyết định: 'Trong 2 năm vừa qua mặc dù rất khó khăn nhưng Quảng Ninh cũng xác định đây là thời điểm nhìn lại, đánh giá lại hoạt động du lịch, và phải làm mới hoạt động du lịch của mình. Trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã tập trung vào đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở lưu trú.

Một loạt các công trình được xây dựng, sửa chữa như các cảng biển quốc tế, sân bay Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu tình yêu, đường cao tốc… Trong thời gian vừa qua tỉnh cũng đã xây dựng được 2080 cơ sở lưu trú…'

Còn theo ông Lương Thanh Quảng – Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, yếu tố thu hút khách du lịch quốc tế, không hoàn toàn nằm ở việc ễn thị thực hay những quy định thông thoáng về y tế: 'Để đảm bảo phục hồi du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả trong thời gian tới, theo tôi cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng nhân lực ngành du lịch, sức thu hút nội tại của điểm đến và tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến của Việt Nam'.

Chắc chắn, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, du lịch Việt Nam nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung sẽ dần phục hồi theo đà khống chế hoàn toàn được dịch bệnh của chúng ta.

Đây là niềm vui cho những người làm du lịch, nhưng như đã đề cập rất nhiều lần về vấn đề này, để phát triển du lịch, không phải chỉ dựa vào những chính sách kích cầu, hay quảng bá rầm rộ, hoành tráng; mà cần có sự thay đổi từ nội tại của cả hệ thống chính sách, nhân lực, hạ tầng cơ sở, điểm đến an toàn với môi trường trong sạch.

Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch

Lạc quan nhưng phải có cái nhìn thực tế

Trong những ngày tháng vừa qua, trên tất cả các phương tiện truyền thông cũng như các cuộc họp xúc tiến kích cầu của ngành du lịch đều đưa ra chung một dòng trạng thái là: Ngành du lịch hồ hởi đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh mẽ. Thực tế này là không phủ nhận, nếu nhìn vào tình hình ảm đạm suốt hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thế nhưng, nếu quay đầu nhìn lại thực tế thì con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với những nỗ lực, cố gắng của chúng ta trong suốt thời gian vừa qua.

Dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người dân trên toàn thế giới, cộng với tâm lý, suy nghĩ thay đổi về mức độ an toàn sức khoẻ bản thân, cùng với đó là những quy định về các loại giấy tờ chứng nh sức khoẻ; Giá cả dịch vụ chắc chắn cũng sẽ tăng vọt tại những điểm du lịch khiến người ta cũng sẽ phải tính toán lại mong muốn đi du lịch nước ngoài.

Theo một cuộc điều tra xã hội gần đây tại Mỹ, hầu hết người Mỹ hiện chỉ muốn đi du lịch nội địa.  Người Mỹ ưu tiên an toàn, sự thoải mái và sức khoẻ khi họ đi du lịch.

Không chỉ có người Mỹ, mà ngay kể cả tại Châu Âu, việc đi du lịch nước ngoài, sang một châu lục khác đối với người dân ở đây hiện nay cũng không phải là lựa chọn số 1.

Rõ ràng ở châu lục của họ đã có quá nhiều danh lam thắng cảnh và dịch vụ tốt hơn chúng ta rất nhiều để trải nghiệm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa thể nói là đã được kiểm soát hoàn toàn.

Không dại gì họ đánh đổi sự an toàn về sức khoẻ khi đi du lịch ở những quốc gia xa xôi, ít nhất là trong thời điểm này.

Con số gần 200 ngàn lượt khách quốc tế đến Việt Nam (chủ yếu là khách châu Á) trong 4 tháng đầu năm vừa được công bố cũng có thể gọi là một tín hiệu khởi sắc, đáng mừng cho ngành du lịch.

Thế nhưng, rõ ràng con số này không thể bù đắp được chi phí, vốn đã thâm hụt nghiêm trọng vì dịch bệnh của ngành du lịch Việt Nam, của doanh nghiệp du lịch. Nếu không muốn nói là lỗ nặng.

Tất nhiên, việc cần làm thì vẫn phải làm. Dù thu không đủ chi nhưng như nhiều người làm du lịch đã từng nói, có còn hơn không, có khách để đón tiếp trong thời điểm này đã là điều đáng mừng. Có lẽ, ngành du lịch cũng cần phải tính toán lại để tập trung trước mắt vào thị trường mang lại doanh thu tốt hơn – đó là thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, như chúng tôi đã đề cập rất nhiều đến những tồn tại kéo dài đến mức mãn tính của ngành du lịch Việt Nam, khiến thị trường của chúng ta luôn luôn xấu xí và kém hấp dẫn so với những nước trong khu vực - mặc dù chúng ta sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh hơn họ - trong mắt du khách trong và ngoài nước, đó là nạn chặt chém, chèn ép du khách, mất vệ sinh, môi trường du lịch ô nhiễm, tệ nạn xã hội tại những điểm du lịch và cả sự thiếu an toàn môi trường du lịch đối với du khách nước ngoài.

Giải quyết vấn đề của ngành du lịch, không phải chỉ là kích cầu, đưa giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại, mà phải là giải quyết tận gốc rễ vấn nạn của du lịch Việt Nam.

Chúng ta lạc quan, nhưng phải có cái nhìn thực tế…