Du lịch tàu biển: Đã qua cơn bĩ cực?

Điêu đứng vì đại dịch COVID-19, du lịch tàu biển từng trải qua những tháng ngày ‘bĩ cực’ không thể nào quên. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đi qua, ngành này đang cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc và hồi sinh mạnh mẽ.

Chắc hẳn những hành khách trên con tàu du lịch xa hoa Diamond Princess khó có thể quên những tháng ngày lo lắng, mệt mỏi vì bị cách ly ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản bởi COVID-19.

Đó là thời điểm giữa tháng 2/2020, gần 200 người trong tổng số hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn bị phát hiện dương tính với virus Corona. Một số người sau đó tử vong khiến tình hình càng thêm căng thẳng.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Canada phải điều máy bay sơ tán công dân và giúp họ hồi hương. Nhớ lại giai đoạn này, bà Monica Pitrelli, chuyên gia du lịch từ CNBC chia sẻ: “Thời điểm đó đây là điều cực kỳ lạ lẫm. Chúng tôi phải chứng kiến những con tàu đậu ngoài khơi hay đã cập bến nhưng mọi người không thể rời đi”

Du thuyền Diamond Princess. (Ảnh: Getty Images)

Giai đoạn này, cổ phiếu của 3 ‘gã khổng lồ’ trong ngành tàu biển du lịch thế giới là Royal Caribbean, Carnival Line và Norwegian Cruise lao dốc không phanh, thậm chí có thời điểm mất giá tới 75%.

Các công ty tàu biển du lịch sau đó phải đóng cửa trong suốt 15 tháng. Theo thống kê, đến đầu tháng 9/2022, tổng số nợ mà 3 hãng du thuyền lớn phải gánh đã lên tới 74 tỷ USD.

Ông Josh Weinstein, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng tàu biển Carnival cho biết: “Số dư nợ lớn khiến chi phí lãi vay cao. Nếu trước đại dịch chúng tôi chỉ phải trả tiền lãi khoảng 200 triệu USD thì giai đoạn này lên tới 1,8 tỷ USD”.

Trong khi đó, ông Jason Liberty, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Royal Caribbean cho biết thêm: “Đây là điều chẳng ai ngờ tới. Không có sách giáo khoa, lớp học kinh doanh hay kinh nghiệm nào dạy chúng tôi rằng, vào một ngày nào đó công ty bất ngờ bị ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian rất dài. Giai đoạn này chúng tôi chỉ tập trung tái cơ cấu các khoảng chi phí cho phù hợp đồng thời bảo trì những con tàu” 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi và dần qua đi cũng là lúc ngành du lịch tàu biển hồi sinh. Royal Caribbean mới đây cho biết, giá cổ phiếu của họ vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 4/2024. Điều này đến từ việc công ty đang dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành du lịch tàu biển. Hai ‘gã khổng lồ’ khác là Carnival và Norwegian cũng khởi động năm 2024 với lượng khách đặt vé bùng nổ.

Ông Brandt Montour, chuyên gia phân tích cổ phiếu từ Công ty Barclays nhận định: “Khi những xiềng xích được tháo gỡ, các chốt kiểm soát dịch bệnh rời đi, lượng khách đặt vé du lịch tàu biển đã tăng vọt”.

Các chuyên gia ước tính, có tới 36 triệu hành khách sẽ du lịch bằng tàu biển trong năm 2024. Con số này nhiều hơn 20% so với năm 2019, giai đoạn trước đại dịch. Theo ông Josh Weinstein, Chủ tịch Carnival, ngành du lịch tàu biển đã chính thức trở lại: “Có thể nói rằng chúng tôi bước vào năm 2024 với lượng khách đặt vé ở mức cao chưa từng có”.

Đầu năm nay, Royal Caribbean cũng bổ sung siêu du thuyền Icon of the Seas (Biểu tượng của biển cả) vào đội tàu của mình. Đây được xem là con tàu du lịch lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 365m và khả năng chở đến 10.000 hành khách.

Ông Jason Liberty, Chủ tịch Royal Caribbean chia sẻ: “Du lịch tàu biển là ngành kinh doanh tạo ra nhiều doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền. Chúng tôi tin rằng khi hoạt động kinh doanh ổn định trở lại công ty sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong lĩnh vực này”.

Khi dịch bệnh đi qua, du lịch tàu biển đang cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc và hồi sinh mạnh mẽ

Kỳ vọng, lạc quan, nhưng các chuyên gia cảnh báo, ngành du lịch tàu biển còn tồn tại nhiều hạn chế và đối mặt không ít thách thức trong tương lai. Đặc biệt là yêu cầu giảm ô nhiễm khí thải để phát triển bền vững.

Bà Monica Pitrelli, chuyên gia du lịch từ CNBN cho biết: “Chỉ mất khoảng 10-15 giây tìm kiếm trên Google bạn sẽ thấy tàu biển không tốt cho môi trường. Về bản chất đây không phải cách du lịch thân thiện với môi trường”

Được biết, hiện cả Royal Caribbean, Carnival Line và Norwegian Cruise đang lên kế hoạch nâng cấp đội tàu và nỗ lực đạt mức phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050. 

Với đường bờ biển dài trên 3260 km trải dài từ bắc xuống nam, Việt Nam được đánh gia là một trong những quốc gia có tiềm năng, lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Đây cũng là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch biển.

Để phát triển du lịch biển sau những tác động của đại dịch COVID-19 cũng như cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, ngành du lịch Việt đang chuyển hướng theo xu thế toàn cầu, với những sản phẩm du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên.

Nhằm thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh một số sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn cũng như tạo dấu ấn và khẳng định thương hiệu du lịch biển Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần tăng cường chuyển đổi số, bởi không gian số, cách tiếp cận số, quản trị số,… chính là cơ hội cho ngành du lịch phát triển đột phá.