Đơn giản hóa thủ tục giải quyết xe vi phạm (Bài 1): Những bãi xe hàng trăm triệu đồng biến thành sắt vụn

VOVGT- Tại các bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn TP vẫn rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí tồn đọng, gây lãng phí, nguy cơ cháy nổ và gây bức xúc trong dư luận.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mặc dù Nghị định 46 của Chính phủ đã thu gọn đáng kể hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải tạm giữ phương tiện, song, tại các bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn Thành phố vẫn rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí tồn đọng, gây lãng phí, nguy cơ cháy nổ và gây bức xúc trong dư luận.

Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ để giảm thiểu sự lãng phí khi các phương tiện bị tạm giữ quá lâu tại các bãi giữ xe vi phạm.

Mở đầu chuyên đề: “Cần đơn giản hóa thủ tục giải quyết xe vi phạm giao thông” là ghi nhận của phóng viên về tình trạng hàng loạt phương tiện bị tạm giữ lâu ngày bị xuống cấp như đống sắt vụn tại các bãi giữ xe vi phạm.

Bãi giữ xe vi phạm của CSGT Hà Nội tại 360 đường Giải phóng có diện tích khoảng 4.000m2 luôn quá tải. Ảnh: Vietnamnet

Theo quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ, chỉ một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ có tính chất nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông khác mới bị tạm giữ phương tiện.

Cụ thể như: Điều khiển xe đi vào đường cao tốc; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; Không chấp hành yêu cầu về kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; lạng lách, đánh võng, dùng cân điều khiển phương tiện...

Với những trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ quyết định tạm giữ phương tiện từ 7-10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Mặc dù Nghị định 46 đã thu hẹp đáng kể các hành vi tạm giữ phương tiện vi phạm, song thực tế, tại các bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải do phương tiện bị tồn đọng.

Trò chuyên với phóng viên chương trình, một quản lý bãi giữ xe trên đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, hiện bãi xe đang trông giữ khoảng 1.000 phương tiện mô tô, xe máy do các lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, công an quận, công an phường đưa về bảo quản.

Để đảm bảo an toàn cho khoảng 1.000 phương tiện tồn, Xí nghiệp 3 phải bố trí khoảng 4.000m2 để giữ phương tiện, phải bố trí khoảng 10 người trông giữ thường xuyên. Đó là chưa kể đến việc với số lượng lớn phương tiện phải trông giữ, đơn vị phải phải đảm bảo an toàn cháy nổ…

 

- Nếu tính phương tiện tồn thì ở đây còn gần 1.000 phương tiện.

- Cái thâm niên lâu nhất là…

- Thâm niên lâu nhất thì chưa có số liệu chính xác

- Còn phổ biến?

- Phổ biến là sau 2-3 năm. Để trông giữ được số phương tiện đó thì ít nhất 1 ngày, 1 đêm phải có 10 cán bộ công nhân viên.

Cũng theo vị đại diện này, số lượng phương tiện tồn tại bãi giữ xe này thường tăng theo các chiến dịch kiểm tra của các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát thì các phương tiện vi phạm nói chung tăng lên và số phương tiện tồn cũng tăng lên.

Không chỉ tại Nam Từ Liêm, mà một số bãi giữ xe vi phạm tại Long Biên, Cầu Giấy, Hà Nội cũng rơi vào tình trạng quá tải. Không khó để bắt gặp hình ảnh hàng loạt phương tiện bị phơi mưa, phơi nắng, bị xuống cấp không còn giá trị sử dụng.

Bãi giữ xe vi phạm của CSGT Tp.HCM. Ảnh: Thanh niên

Còn tại Tp.HCM, theo đại diện Phòng CSGT, Công an Tp.HCM, tình trạng xe vi phạm tồn đọng tại các bãi giữ xe là thực trạng tồn tại nhiều năm nay, nhất là từ năm 2017 trở về trước.

Mặc dù năm 2018, đơn vị này đã đẩy mạnh việc tịch thu, thanh lý, đấu giá với phương tiện người dân bỏ lại lâu ngày, song chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Đề cập tình trạng này, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, những điểm trông giữ xe máy vi phạm hiện cũng đã trở thành sức ép đối với những đơn vị trông giữ xe, bởi ngoài việc phải bố trí nhiều cán bộ, công nhân viên trông giữ, còn phải đảm bảo không mất mát phương tiện, đảm bảo an toàn cháy nổ.

Khi phương tiện để ngoài trời quá lâu sẽ xuống cấp, không còn giá trị sử dụng. Đó là chưa kể đến việc chủ phương tiện cũng không có phương tiện mưu sinh, gây lãng phí tiền của xã hội.

 

"Khi để dưới trời mưa, trời nắng, không ai bảo quản khiến xe hỏng thì đó là sự lãng phí tài sản của xã hội. Cái thứ hai đối với người dân, một chiếc xe là phương tiện đi lại rất cấp thiết hàng ngày, thậm chí còn là phương tiện kiếm sống, khi bị giữ, không sử dụng được, không khai thác được cũng rất lãng phí tài sản".

Nhiều trường hợp phương tiện bị tạm giữ là những chiếc xe đắt tiền như SH, Piagio LX, Lead… là niềm mơ ước của bao gia đình, song vẫn bị bỏ lại tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm.

Vì sao chủ xe “bỏ của chạy lấy người” khiến tình trạng này tồn tại dai dẳng? Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.