Đoạn trường phạt nguội (Bài 1): Quy trình và công cụ hiện nay thế nào?

VOVGT- Việc phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông cũng đang gây ra những áp lực đáng kể cho cả người vi phạm và lực lượng thực thi công vụ...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc xử phạt nguội các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng bởi tính chính xác, không bỏ lọt hành vi vi phạm và giảm thiểu tình trạng “chung chi” giữa người vi phạm và lực lượng chức năng. (Ảnh: PLGT)

Đề cập quy trình phạt nguội các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, sau khi ghi nhận tình huống vi phạm qua camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ lập thông báo gửi đến người vi phạm để mời đến Phòng CSGT, Công an Thành phố để xử lý.

Việc ghi nhận vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được thực hiện tự động, hệ thống camera cũng được kiểm định bằng theo tiêu chuẩn quốc gia được quy định trong Luật nên đây là cơ sở để lực lượng chức năng xác định hành vi vi phạm cũng như lập biên bản vi phạm hành chính. Theo lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, chỉ riêng quý 1/2018, đơn vị này đã xử phạt đối với 911 trường hợp thông qua hệ thống camera, trong đó có 5 xe biển xanh, 5 xe biển đỏ. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nói:

 

"Với số liệu mà Phòng CSGT Công an thành phố quản lý thì chúng tôi xử lý, xử phạt chủ phương tiện là ô tô bởi vì Phòng CSGT quản lý đăng ký ô tô và các phương tiện mô tô phân khối lớn. Còn thông qua công tác điều tra, xử lý tai nạn thì có cả ô tô và cả mô tô."

Kết quả thu được từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được sử dụng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Ảnh: Báo Pháp luật)

Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho rằng, quy trình xử lý phạt nguội là khi phát hiện các hành vi vi phạm, xác nh địa chỉ của chủ phương tiện hoặc người vi phạm, cơ quan công an sẽ gửi thông báo đến địa chỉ người vi phạm để mời lên làm việc.

Sau khi làm việc, lực lượng chức năng sẽ chứng nh hành vi vi phạm để lập biên bản xử lý. Nếu hành vi vi phạm chỉ ở mức bị phạt tiền thì người vi phạm có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc nộp phạt. Tuy vậy, nếu hành vi vi phạm đến mức bị tạm giữ phương tiện hoặc tạm giữ giấy phép lái xe thì người vi phạm buộc phải đến cơ quan chức năng để xử lý mà không thể thực hiện ủy quyền cho người khách giải quyết. Trung tá Tạ Thị Hồng Minh nói:

 

"Khi phát hiện hành vi vi phạm, xác nh địa chỉ thì gửi thông báo đến địa chỉ vi phạm, mời người ta lên làm việc và khi người ta lên thì mình chứng nh hành vi vi phạm và xử lý."

Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho biết, hệ thống camera giám sát giao thông cũng như sung bắn tốc độ được trang bị cho lực lượng CSGT đều được kiểm định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định. Do vậy kết quả thu được từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được sử dụng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, khi nhận được thông báo của lực lượng chức năng, chủ xe, người vi phạm phải đến Phòng CSGT các địa phương để thực hiện quyết định xử phạt, kể cả nơi vi phạm khác nơi sinh sống.

Tán thành với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, song rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông không biết mình vi phạm và bị hệ thống camera giám sát ghi lại hình ảnh, chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan CSGT mới biết lỗi vi phạm của mình. Về điều này, một người tham gia giao thông ở Hà Nội phải vào Quảng Bình nộp phạt chia sẻ:

 

"Tôi cho rằng như thế là quá khó, từ Hà Nội vào đó để nộp phạt, với khoảng cách 500km thì làm sao nghỉ làm vào đó được. Tôi nghĩ phạt nguội cũng tốt, nhưng cần phải có hình thức nào đó thuận lợi cho người dân nộp phạt chứ thế này đúng là làm khó người dân."

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, việc buộc người vi phạm phải đến nơi diễn ra vi phạm để chấp hành quyết định xử phạt là làm khó người dân, gây tốn kém cho người vi phạm về thời gian, tiền của và tạo thêm áp lực về giao thông.

Còn nữa...