Đình chỉ thi công nếu không bảo đảm ATGT: Có đủ mạnh để triệt tiêu vi phạm?

Nhiều đơn vị thi công tập kết vật liệu lấn chiếm lòng lề đường, đào khuôn đường tạo các hố sâu nguy hiểm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATGT vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, vô hình trung tạo thành những cái “bẫy” đối với người tham gia giao t

Theo phản ánh của người tham giao thông, nhiều sơ suất của các đơn vị thi công đã và đang gây mất an toàn cho người và phương tiện.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đình chỉ thi công nếu không bảo đảm an toàn giao thông, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa đặt điều kiện này đối với việc thi công cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư và các nhà thầu đều rất sợ dự án bị dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, làm tăng chi phí của công trình.

Tuy nhiên, biện pháp này có đủ mạnh để giải quyết triệt để các vi phạm trong quá trình thi công ở các đô thị hay không, khi chính nó cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến TTATGT? 

Thành phố Hà Nội đang triển khai một số dự án cải tạo, sửa chữa trên các tuyến cầu, đường như: Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao, đường Ngọc Hồi, cầu Vĩnh Tuy. Đây là các tuyến huyết mạch, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người tham giao thông, nhiều sơ suất của các đơn vị thi công đã và đang gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trường hợp của anh Phùng Văn Minh, ở đường Tố Hữu, Hà Nội khi lưu thông trên đường Vành đai 3 trên cao, phương tiện của anh đã bị nổ lốp, là một ví dụ: 

 

“Khi thi công xong, người ta để các tấm thép ở các khe co giãn gồ lên quá cao như một cái chông khiến xe tôi bị nổ lốp trái. Rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm hoặc lúc đường vắng mà đi nhanh và không phanh kịp, bị nổ lốp như thế rất nguy hiểm”.  

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người mà nguyên nhân là do việc thi công gây mất an toàn giao thông. Nhiều đơn vị thi công tập kết vật liệu lấn chiếm lòng lề đường, đào khuôn đường tạo các hố sâu nguy hiểm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATGT như thiếu biển cảnh báo, không đèn tín hiệu cảnh báo vào ban đêm, rào chắn bố trí không đầy đủ, không người cảnh giới hướng dẫn giao thông…  vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, vô hình trung tạo thành những cái “bẫy” đối với người tham gia giao thông.    

Để khắc phục tình trạng này, nâng cao việc bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây có yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, tuân thủ theo đúng các nội dung quy định trong giấy phép thi công… Nếu cần thiết, phải đình chỉ thi công để đánh giá lại công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ông Cao Văn Hiệp – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định: 

 

“Lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh với các đơn vị thi công phải thi công đúng giờ giấc, có các biện pháp đảm bảo ATGT khi thi công vào ban đêm. Những đơn vị thi công vi phạm các quy định của các công trình vừa thi công vừa khai thác, lực lượng thanh tra sẽ kiên quyết lập biên bản và xử lý, vi phạm nhiều thì chúng tôi yêu cầu đình chỉ và phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì mới tiếp tục được thi công”.

Đồng tình với việc đình chỉ thi công công trình gây mất an toàn giao thông, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, về cơ bản, chủ đầu tư rất sợ dự án bị dừng thi công đột ngột, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc chậm tiến độ vì thế làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư:

 

“Nếu chúng ta chỉ phạt tiền thì nhiều khi thời điểm cũng như chi phí để nâng cao an toàn lớn hơn tiền xử phạt nên các chủ thầu họ chấp nhận phạt, do đó biện pháp đình chỉ thi công vừa mang tính hành chính, vừa mang tính kinh tế - tài chính mạnh. Nó khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thi công của các nhà thầu bị đình trệ hoàn toàn. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ cũng như thu nhập, tạo sức ép buộc họ phải tuân thủ tự giác hơn”.

Nỗi lo mất an toàn giao thông luôn thường trực với người dân khi lưu thông trên những tuyến đường có công trình vừa thi công, vừa khai thác (Ảnh: baogiaothong)

Trong khi đó, theo TS. Phan Lê Bình, giảng viên Kỹ thuật hạ tầng, Đại học Việt Nhật, việc đưa ra quyết định đình chỉ thi công là biện pháp tuy quyết liệt nhưng sẽ mang lại những tác động tiêu cực bởi việc dừng thi công sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới việc lưu thông và lãng phí nhiều nguồn lực.

Ông Bình cho rằng, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi nhà thầu, đơn vị thi công, phải xem việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, áp dụng việc đình chỉ thi công thì cơ quan chức năng cũng cần có ngay giải pháp đảm bảo an toàn: 

 


“Dừng thi công ngay không có nghĩa là dừng bỏ đó mà đồng thời phải có các biện pháp khắc phục, nếu trường hợp vẫn chây ì mà không chịu điều chỉnh để đảm bảo an toàn thì có thể tiến hành thêm bước là cơ quan quản lý Nhà nước thay mặt thực hiện điều chỉnh để đảm bảo an toàn và chi phí để thực hiện sẽ truy cứu đơn vị thi công phải trả lại cho cơ quan Nhà nước".

Về phía người tham gia giao thông, từ thực tế mất an toàn và thường xuyên ùn tắc trên một số tuyến đường có hạng mục thi công thời gian qua, nhiều người dân mong mỏi, cơ quan chức năng cần có biện pháp hiệu quả hơn để sớm giảm thiểu, chấm dứt tình trạng này.

Nỗi lo mất an toàn giao thông luôn thường trực với người dân khi lưu thông trên những tuyến đường có công trình vừa thi công, vừa khai thác. Do vậy để khắc phục tình trạng này, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần nhiều giải pháp hơn là việc dọa “đình chỉ thi công”.

 

Trạng chết, Chúa cũng băng hà

Việc xảy ra ùn tắc trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác là khó tránh khỏi, đặc biệt đối với các tuyến có vai trò quan trọng về giao thông và vận tải. Đó là thực tế diễn ra khoảng một tháng trở lại đây trên Cao tốc số 20 vành đai 3, Đại lộ Thăng Long, Cầu Vĩnh Tuy, Quốc lộ 18, v.v.

Nhưng không chỉ tắc đường, mà việc thi công còn chưa đảm bảo an toàn. Trước khi đơn vị thi công dùng đệm cao su để giảm bớt độ vênh chiều cao và giảm sự xô lệch các tấm thép đậy khe co giãn, thì đã có không ít ô tô bị nổ lốp, cùng không ít vụ va chạm liên hoàn qua những vị trí thi công này. Và chỉ mới cách đây 1 tuần, một công nhân làm đường thiệt mạng trên QL18, trong quá trình thi công.

Nếu phân tích từng trường hợp cụ thể, sẽ có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ đơn thuần do việc thi công, nhưng việc thiếu cảnh báo, thiếu các giải pháp đảm bảo an toàn trong thi công đang là tác nhân đáng kể dẫn đến các sự cố đáng tiếc nói trên.

Đơn cử, các lái xe đi từ phía Pháp Vân theo vành đai 3 về Hà Nội, với tốc độ 80km/h, gần như không thể phát hiện ra tấm biển bé xíu, thông báo phía trước có công trình. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến rất nhiều tài xế bị động, vẫn cứ đi tiếp tục đi vào đoạn ùn tắc, để rồi chôn chân cả tiếng đồng hồ. Mà nếu biển báo gắn từ xa, đủ lớn và rõ ràng, họ hoàn toàn có thể lựa chọn lộ trình khác.

Do vậy, việc ngành giao thông một địa phương tuyên bố sẽ đình chỉ thi công là động thái cần thiết, để “cảnh cáo” các đơn vị thi công chưa thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn, dù với bất cứ lý do nào. Động thái này ít nhiều cũng khiến người gia giao thông cảm thấy yên tâm hơn trước dấu hiệu của sự quan tâm, vào cuộc từ phía cơ quan chức năng.

Việc thiếu cảnh báo, thiếu các giải pháp đảm bảo an toàn trong thi công đang là tác nhân đáng kể dẫn đến các sự cố đáng tiếc (Ảnh: kinhtedothi)

Song, sự an toàn lại không phụ thuộc vào cảm giác, mà dựa trên những điều kiện cụ thể và nhận thức lý tính. Việc dừng thi công có thể là nỗi sợ với các chủ đầu tư, do đánh vào kinh tế, nhưng bản thân nó cũng khiến kéo dài thêm thời gian ảnh hưởng tiêu cực tới giao thông vận tải trên tuyến. Mà rủi ro này thuộc về người tham gia giao thông, thuộc về xã hội, thậm chí tổn hại cả uy tín của đơn vị quản lý.

Nói cách khác, đối với lĩnh vực giao thông, nếu cơ quan chức năng chọn giải pháp “đình chỉ thi công” để cảnh cáo cách làm ăn cẩu thả, thì không khác nào “nắm dao đằng lưỡi”. Sẽ không có lý do để nhà thầu và chủ đầu tư phải sợ, khi họ biết, một khi đã dừng thi công thì “Trạng chết Chúa cũng băng hà”.

Do vậy, để khắc phục tình trạng thi công thiếu an toàn trên các tuyến giao thông, việc đầu tiên là cần tạo những cơ chế thuận lợi nhất để huy động sự giám sát từ phía người dân hỗ trợ cho cơ quan chức năng, để mọi bất cập đều được phát hiện, nhắc nhở kịp thời, từ hệ thống cảnh báo từ xa, tại chỗ và các biện pháp đảm bảo TTATGT.

Cần những sự kiểm tra đột xuất cả trong những thời điểm thi công và không thi công, để đối chiếu, kiểm chứng giữa báo cáo của nhà thầu, chủ đầu tư với mức độ an toàn thực tế. Cần rà soát bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết về trách nhiệm và ràng buộc trách nhiệm của cả chủ đầu tư lẫn đơn vị quản lý trong từng dự án, để tránh những tranh luận không có hồi kết khi sự cố xảy ra.

Và đặc biệt, cần thúc đẩy trách nhiệm của đơn vị thi công bằng những quy định về bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra sự cố gây thiệt hại cho cá nhân hoặc tổ chức, chứ không chỉ đợi đến khi tai nạn nghiêm trọng mới truy cứu. Trách nhiệm này cũng sẽ được thúc đẩy, khi độ an toàn của công trình trước đó được tính là “điểm cộng” trong mỗi lần lựa chọn nhà thầu.

Dĩ nhiên, tất cả những điều trên chỉ thực hiện được khi cơ quan quản lý nhà nước thực sự mong muốn cải thiện an toàn và khắc phục những bất tiện trong quá trình thi công trên đường, chứ không phải là “tung đòn gió” để xoa dịu bức xúc của người dân rồi lại xuê xoa cho những sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm./.