Di dời nhà nổi Hồ Tây: Khó thực hiện đúng thời hạn

VOVGT-Theo văn bản mới nhất của UBND quận Tây Hồ, việc tháo dỡ, di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi trên Hồ Tây phải được thực hiện trước ngày 25/2/2017.

Nghe nội dung chương trình tại đây: 

 

Quyết định tháo dỡ, di dời triệt để các tàu thuyền, phương tiện nổi khỏi Hồ Tây được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra sau buổi làm việc về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây hồi đầu tháng 2 này. Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố giao cho quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên Hồ Tây trong quý I/2017.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khuê đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp tháo dỡ tàu, thuyền, phương tiện nổi. Mới đây nhất, ngày 16/2, UBND quận Tây Hồ tiếp tục có công văn đốc thúc, yêu cầu các doanh nghiệp tháo dỡ, di chuyển tàu thuyền trước ngày 25/2. Tuy vậy, đến thời điểm này, mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Khu vực nhà thuyền của Công ty CP Potomac, hay nhà thuyền Tây Long 2, 3… vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị tháo dỡ.

Nhà thuyền Tây Long 2, 3 đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị tháo dỡ. Ảnh Hải Minh - NDH

Lý giải về điều này, Đại diện một số đơn vị kinh doanh dịch vụ trên hồ Tây khẳng định sẵn sàng chấp hành chủ trương của thành phố Hà Nội cũng như UBND phường Thụy Khuê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ phần nào chi phí đã đầu tư vào du thuyền, nhà nổi.

Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Vượng, Giám đốc công ty Cổ phần Sông Potomac cho biết, giấy phép hoạt động của doanh nghiệp được cấp từ năm 2001, có thời hạn hoạt động là 30 năm. Tuy nhiên, từ năm 2009, khi phải di chuyển từ đường Thanh Niên đến khu vực số 4 Thụy Khuê, các doanh nghiệp chỉ được cấp phép sử dụng bến thủy nội địa thêm 1 năm. Do vậy, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động không phép. Theo ông Vượng, lý do doanh nghiệp hoạt động không phép này bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách của thành phố. Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc xây dựng thương hiệu, ổn định kinh doanh. Do vậy, việc buộc các doanh nghiệp phải tháo dỡ chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào thế phá sản.

Ông Vương nói:

 

Chủ nhà hàng nổi, du thuyền Hồ Tây đối diện nguy cơ phá sản. Ảnh: VietnamFinance

Ông Đỗ Việt Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai cho biết, doanh nghiệp của ông đã hoạt động tại khu vực này 25 năm, đều đóng đầy đủ các loại thuế phí, bao gồm cả phí sử dụng mặt nước, vệ sinh môi trường… Giấy phép hoạt động giờ vẫn còn thời hạn. Tuy nhiên, Thành phố có chủ trương di dời, doanh nghiệp cũng sẵn sàng ủng hộ, nhưng chính quyền địa phương cần có một vị trí khác để lưu giữ tàu thuyền trong khi chờ bước xử lý tiếp theo... Theo ông Đỗ Việt Anh, văn bản của Thành phố yêu cầu chuyển lên Đầm Bản (phường Nhật Tân, quận tây Hồ), nhưng không doanh nghiệp nào được hướng dẫn về địa điểm hay bất cứ chỉ dẫn về địa chỉ cụ thể nên doanh nghiệp rất khó thực hiện. Ông Đỗ Việt Anh nói:

 

Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc văn phòng Luật sư Basico cho rằng, việc một số doanh nghiệp hoạt động không phép có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách của chính quyền địa phương. Theo ông Đức, để việc di dời đúng thời hạn, cần có sự hỗ trợ hợp lý để doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động. Ông Đức chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên chương trình: