Di dời dân khỏi ổ dịch Thanh Xuân Trung: Đề phòng nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly

Như VOV Giao thông đã đưa tin, tối 01/9, Chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tổ chức di dời gần 1200 cư dân ra khỏi ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân lên nơi ở mới là Ký túc xá Đại học FPT (huyện Thạch Thất), cách đó khoảng 30km.

Mặc dù địa phương khẳng định việc di dời bớt dân ra khỏi ổ dịch phức tạp này là cần thiết, song cũng có những ý kiến lo ngại về sự xáo trộn đời sống sinh hoạt của các gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Chưa kể, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra từ chính hoạt động này. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tối 01/9, Chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tổ chức di dời gần 1200 cư dân ra khỏi ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân lên nơi ở mới là Ký túc xá ĐH FPT

Là một trong những gia đình thuộc đợt di dời đầu tiên, anh Nguyễn Văn Hùng ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) thấy tạm ổn với nơi ở mới, 4 người được bố trí một phòng dành vốn dành cho 6 sinh viên:

"Điều kiện ăn ở em cũng thấy khá ổn, có một cái quạt trần, đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội, xà phòng, chăn ga, gối; nước thì cung cấp cho mỗi nhà một bình 20 lít. Em quan ngại nhất vấn đề vận chuyển, vì đi một xe 45 chỗ, chở từ 30-35 người thì rất sợ, vì nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ".

Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp vì sự thay đổi này khiến sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, nhất là với những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Đang ở nhà rộng hơn 100m2, chỉ có 2 người, không phải leo cầu thang, bà Nguyễn Thị Chinh, 75 tuổi thấy rất bí bách và bất tiện khi phải ở chung phòng với gia đình khác trong căn phòng rộng chừng 20m2:

"Bọn cô già rồi nhưng họ cho ở tầng 5, thứ 2 nữa là ở trường của sinh viên, các cháu ở giường tầng nhưng các cô đâu trèo lên được giường tầng. Thanh niên trèo được, nhưng cô không trèo được nên nằm dưới đất thôi", bà Chinh cho biết.

Bà Bùi Hoàng Loan cũng rất lo lắng bởi gia đình vừa cháu nhỏ mới 7 tháng tuổi, lại có mẹ già hơn 90 tuổi, nhiều bệnh nền, việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, thay đổi điều kiện sinh hoạt là cả vấn đề lớn, nếu không may bệnh tuổi già tái phát: "Nhà diện tích rộng, thoáng mát, đầy đủ tất cả mọi điều kiện để gia đình có thể tự cách ly trong nhà, không bước chân ra khỏi cửa, mà tiện cho cụ với tiện cho cháu bé. Thật sự bây giờ rất lo cụ bị làm sao, vì cụ rất hay đi bệnh viện, hay bị tăng xông, hay bị những cái đột quỵ, mà còn cháu bé nữa cho nên lo lắm".

Việc thực hiện đưa người dân đi cách ly là để đảm bảo an toàn, nhanh chóng khống chế dịch

Cập nhật với VOV Giao thông, đến 8h sáng nay 03/9, bà Loan cho biết, Phường đã đến khảo sát, cân nhắc về khả năng cháu bé 7 tháng và cụ già 90 tuổi có thể không phải đi cách ly tập trung, tuy nhiên gia đình vẫn phấp phỏng vì chưa có quyết định.

Trao đổi với báo chí trong buổi tối 01/9 khi di dời dân phường Thanh Xuân Trung, ông Đặng Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, việc thực hiện đưa người dân đi cách ly là để đảm bảo an toàn, nhanh chóng khống chế dịch.

Theo kế hoạch, việc này sẽ thực hiện trong 3 ngày, từ ngày 01/9 đến hết ngày ngày 03/9. Thời gian cách ly tập trung sẽ kéo dài theo quy định, tại ký túc xá Đại học FPT (Thạch Thất, Hà Nội).

Theo ông Hòa, để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc đưa người dân đi cách ly, quận dự kiến di chuyển thành 10 đợt; bố trí 10 xe bus loại 45 chỗ, mỗi xe ô tô chở từ 20-25 người. Di chuyển đến khi không còn người dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao: "Có rất nhiều người già và trẻ em thì chúng tôi cũng bố trí các kíp y tế đi cùng, đồng thời chúng tôi cũng bố trí một xe cứu thương với các kíp cấp cứu đầy đủ, khi có bất kể tình huống về y tế thì chúng tôi sẽ kịp thời để xử lý".

Tính đến 01/9 (trước thời điểm tiến hành di dân), tại điểm dịch Thanh Xuân Trung đã phát sinh 375 trường hợp F0 (trong đó 2 ca ngoài cộng đồng, 74 ca tại khu cách ly tập trung, 299 ca tại khu vực đã khoanh vùng cách ly). Khu vực này có 690 hộ và 1.304 nhân khẩu.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của giải pháp giãn dân tại điểm dịch do quận Thanh Xuân thực hiện.

Bởi việc di dời ồ ạt, ngay cả với các hộ dân có điều kiện tự cách ly tại nhà khá tốt, không những gây xáo trộn không đáng có đến đời sống của họ, mà còn làm tăng nguy cơ tiếp xúc xã hội, từ việc tiếp xúc để tuyên truyền, giải thích, đến tập trung để lên ô tô, đến chỗ ở mới...

Thêm vào đó, việc sử dụng những nhà vệ sinh chung tại khu ở mới tại Ký túc xá cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm, Bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết:

"Cái yếu nhất của chúng ta chính là vấn đề vệ sinh, mà bên Mỹ nghiên cứu thì 40% lây nhiễm là qua khu vệ sinh, trong khi đó ở đây mình lại để vệ sinh chung. Vệ sinh chung thì từ người già, trẻ em là rất nhiều vấn đề".

Người cao tuổi gặp phải sự bất tiện và khó khăn với giường tầng ở khu cách ly.

Không tán thành với giải pháp di dời bớt dân, kể cả trong vùng ổ dịch, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, tốt nhất nên thực hiện 5K, ai ở đâu ở đó, bởi dù có giãn dân, nhưng khó đảm bảo điều kiện giãn cách tại khu cách ly:

"Nguy cơ thứ nhất là người ốm lây cho người lành ở trong khu ấy nếu không được 1 người 1 phòng hoặc 1 gia đình ở 1 phòng, cách ly, cách biệt hoàn toàn với phòng khác. Thứ 2 là có thể lây cho những người phục vụ trên đấy, lây xung quanh hoặc lây nội bộ từ người này sang người kia".

Chia sẻ với VOV Giao thông, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại điều kiện sinh hoạt tại khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Trường Đại học FPT nếu không đảm bảo cách ly giữa các phòng, giữa các gia đình, nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn có thể xảy ra trong trường hợp đã có người mang mầm bệnh.

Ngay cả trường hợp nếu buộc phải di dời bớt do mật độ quá cao, thì cũng cần rà soát kỹ và chỉ nên áp dụng với các hộ gia đình sinh sống trong không gian quá chật hẹp, không đảm bảo điều kiện tự cách ly theo dõi tại nhà./.