Di chuyển mùa mưa bão phải lưu ý gì?

Mùa mưa, bão là thời điểm người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn như ngập lụt, đường trơn trượt hay cây đổ. Việc trang bị kiến thức để đối phó với các tình huống có thể xảy ra khi lưu thông trong mưa bão là điều rất cần thiế

Mời các bạn cùng lắng nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Yếu tố thời tiết có ảnh hưởng không hề nhỏ tới vấn đề an toàn giao thông. Tại Mỹ, theo thống kê của Cục quản lý đường cao tốc liên bang, mỗi năm trung bình có khoảng gần 6 triệu vụ va chạm, trong đó có tới 21% (tương đương 1,2 triệu vụ) có liên quan tới yếu tố thời tiết, khiến hơn 400 nghìn người bị thương và 5.376 người thiệt mạng.

Mưa bão khiến đường trơn trượt là một trong những lí do phổ biến nhất khi nhắc tới tai nạn giao thông có nguyên nhân từ thời tiết. Đường trơn trượt sẽ giảm khả năng ma sát của lốp xe, khiến phương tiện dễ bị mất điều khiển khi bẻ lái hoặc phanh gấp. Ngoài ra, tại các con đường xuống cấp hoặc thiếu bảo trì thường xuyên, mưa có thể tạo nên các vũng nước đọng, gây trở ngại không nhỏ cho các phương tiện.

Do đó, lời khuyên cho các tài xế khi lái xe trong điều kiện mưa bão, đó là nên di chuyển với tốc độ chậm hơn bình thường, chú ý quan sát, thậm chí có thể bật đèn xe nếu cần thiết. Các bác tài cũng nên chú ý khoảng cách giữa các phương tiện. Nếu có thể, hãy giữ khoảng cách với các xe khác để hạn chế số lần phải phanh xe, cũng như có thời gian kịp xử lý phòng khi có tình huống bất ngờ.

Vấn đề thứ hai, đó là việc trú mưa. Tại Mỹ, sự lo ngại về độ an toàn khi trú mưa tại gầm cầu bắt đầu sau sự kiện vòi rồng tại thành phố Oklahoma năm 1999 khiến 40 người thiệt mạng. Theo cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, trong sự kiện này, vòi rồng đã quét qua các cây cầu tại một số tuyến cao tốc có nhiều người trú ẩn, cuốn và cướp đi sinh mạng của 3 người. 

Chúng ta đã quen với hình ảnh các người tham gia giao thông, nhất là xe máy, trú mưa tại các gầm cầu mỗi khi trời mưa. Điều này chỉ chấp nhận được nếu trời không mưa quá lớn. Nhưng nếu trong điều kiện mưa bão, gió mạnh, việc trú mưa tại các gầm cầu sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm như gió lốc hay va chạm với các vật thể bị gió bão cuốn theo.

Vấn đề tiếp theo phải đối mặt khi lưu thông trong điều kiện mưa bão, đó là ngập lụt. Tại Việt Nam, những bất cập trong quản lý hạ tầng đô thị đã khiến vấn đề ngập lụt trở nên “quen thuộc” mỗi khi trời mưa. Nhưng không vì lẽ đó mà ai cũng có thể thành thạo lưu thông ngoài đường khi đối mặt với ngập lụt. 

Theo các chuyên gia, việc lái xe qua một đoạn đường ngập úng chưa bao giờ là ý tưởng tốt. Elwood Rahn, chuyên gia làm việc tại đội cứu hộ xe bang Kansas, Mỹ chia sẻ: “Cố gắng lái xe qua những điểm ngập sâu không chỉ nguy hiểm mà còn gây hại cho xe của bạn một cách từ từ mà phải sau đó vài tháng bạn mới nhận ra. Không lái xe qua các điểm ngập luôn là sự lựa chọn khôn ngoan”.

Nếu buộc phải đi qua các điểm ngập thì hãy chú ý những vấn đề sau. Thứ nhất, không nên tăng tốc để cố di chuyển nhanh qua đoạn đường ngập úng, nhất là với ô tô. Làm vậy vừa tăng nguy cơ mất lái, mà còn hắt nước vào phương tiện xung quanh, thậm chí là tạo ra sóng nước đẩy ngã các phương tiện nhỏ hơn. Tại một số quốc gia như Anh, Mỹ, hành động này hoàn toàn có thể bị phạt và trừ điểm bằng lái.

Đối với ô tô, tài xế cần chú ý quan sát khi di chuyển, nên để từng xe đi qua chỗ ngập. Đảm bảo rằng không có xe nào đang tiến đến ở chiều ngược lại nếu không sóng nước mà xe đó tạo ra có thể làm ngập xe bạn, đặc biệt nếu xe đó đang đi với tốc độ cao. Đồng thời, nếu có thể, hãy kiểm tra lại phương tiện sau khi ra khỏi dòng nước để chắc chắn không có vật lạ bám vào xe

Vấn đề cuối cùng đó là kiểm soát mối nguy từ cây đổ do bật gốc hoặc gãy cành sau mưa bão. Cây đổ có thể do nhiều nguyên nhân, nhiều nguyên nhân trong số đó chúng ta không thể thấy bằng mắt thường mà cần có thiết bị cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ. Như tại Singapore, hiện đang có khoảng 200 nhân viên, chuyên gia chăm sóc cho gần 2 triệu cây xanh trên toàn thành phố. Ông Oh Cheow Sheng, một nhân viên chia sẻ:

“Đầu tiên, chúng tôi phải kiểm tra, quan sát cây bằng mắt thường. Nếu phát hiện một số triệu chứng khả nghi thì lập tức thực hiện bước thứ hai là “kiểm tra sức khỏe” của cây bằng các thiết bị chuyên dụng, từ đó xác định xem cây có bị mục rữa hay gặp vấn đề gì không để xử lý”.

Trong Công điện só 03 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, từ cuối tháng 6 đến nay, tại một số tỉnh ền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn cục bộ, gây lũ quét, sạt lở đất. Những diễn biến thời tiết bất thường thời gian qua cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm 2020 ở khu vực Bắc Bộ và tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lũ lớn trong những tháng cuối năm 2020.

Do đó, mong các bạn thính giả nếu buộc phải lái xe dưới thời tiết mưa bão thì hãy hết sức cẩn thận. Anh Hoàng Nghĩa, tài xế chia sẻ một vài kinh nghiệm: “Lái xe dưới trời mưa thì điều đầu tiên là không nên đi quá nhanh mà phải chậm một chút, chú ý khoảng cách với các xe khác. Mà đặc biệt nên tránh xe tải hay xe buýt, đề phòng bị mấy cái xe này tạt nước. Nếu phải đi qua chỗ ngập thì không nên đạp ga hay phanh, không đánh bánh lái mà giữ vững vô lăng cho xe đi thẳng qua. Chỗ nào thấy ngập sâu quá thì tốt nhất nên đổi lộ trình.”