Tuy nhiên, nếu triển khai một cách thiếu kiểm soát thì ATGT có thể trở thành vấn đề. Vì vậy, thay vì tranh luận về việc có nên mở rộng áp dụng hay không, điều cần bàn là làm thế nào để triển khai một cách hiệu quả và an toàn.
Áp lực giao thông ngày càng tăng cao là điều mà người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM dễ dàng cảm nhận khi di chuyển mỗi ngày. Có nhiều yếu tố dẫn tới ùn tắc, một trong số đó là cách tổ chức giao thông ở nhiều khu vực chưa tối ưu.
Ở một số nút giao, ngay cả khi không có phương tiện cắt ngang, dòng xe vẫn phải dừng lại trước tín hiệu đèn. Do vậy, việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ sẽ giúp giải phóng dòng xe, giảm áp lực lên các tuyến chính và tối ưu hóa thời gian di chuyển.
Đây cũng là giải pháp đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada hay Đức, nơi mà tính linh hoạt trong giao thông được coi trọng.
Bên cạnh lợi ích về luồng di chuyển, việc hạn chế dừng xe không cần thiết cũng giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, bất kỳ giải pháp nào có thể giảm lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đều đáng được cân nhắc nghiêm túc.
Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn vào lợi ích mà bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn. Nếu không có quy định và sự giám sát chặt chẽ thì việc rẽ phải tự do có thể tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt là người đi bộ - nhóm đối tượng yếu thế trên đường phố, khi một bộ phận người điều khiển xe cơ giới vẫn đi lại tùy tiện và chưa có ý thức nhường đường.
Muốn đề xuất này trở thành giải pháp chứ không phải rủi ro, cần có những nguyên tắc rõ ràng nếu triển khai thực hiện. Trước hết, cần xác định trách nhiệm của người lái xe: rẽ phải không phải là đặc quyền, mà phải đi kèm với nghĩa vụ quan sát, giảm tốc độ và nhường đường.
Tại nhiều quốc gia áp dụng quy định này, tài xế buộc phải dừng hoàn toàn trước khi rẽ, và chỉ tiếp tục di chuyển khi không gây cản trở cho người đi bộ hoặc phương tiện khác. Nếu không tuân thủ thì họ sẽ bị phạt nặng, thậm chí tước bằng lái.
Nếu thực hiện đèn đỏ được rẽ phải ở tất cả nút giao, không cần bố trí riêng pha đèn, vạch kẻ đường hay biển báo, từ đó tiết kiệm một khoản kinh phí lớn cho việc lắp đặt hệ thống báo hiệu này.
Tuy nhiên, việc bổ sung các tín hiệu phụ trợ là điều cần tính đến trong một số trường hợp đặc biệt. Những khu vực gần trường học, bệnh viện,… hay những nút giao có tầm nhìn hạn chế cần có biển cảnh báo hoặc tín hiệu điều hướng từ xa, rõ ràng cho tài xế chủ động nắm bắt.
Nói một cách dễ hiểu, nếu mở rộng áp dụng, thay vì lắp biển “đèn đỏ được phép rẽ phải” như hiện tại, thì nên làm ngược lại, nơi nào không được phép rẽ mới lắp biển.
Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn giúp giảm căng thẳng cho người lái xe vốn đã rất áp lực với “ma trận” biển báo như hiện nay: nơi thì bố trí đèn, vạch sơn, nơi thì lắp biển cho phép rẽ phải; nơi chỉ cho xe hai bánh rẽ phải, nơi lại cho tất cả phương tiện,…
Nếu thí điểm đèn đỏ mặc định được rẽ phải thì khâu giám sát và xử lý vi phạm là yếu tố quyết định để đảm bảo an toàn, tránh bị những người đi đường theo kiểu “khôn lỏi” lợi dụng, vượt đèn đỏ trá hình.
Ngoài lực lượng chức năng xử lý trên đường, việc lắp đặt thêm camera giám sát và xử phạt nghiêm khắc có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh ý thức, hành vi của người tham gia giao thông.
Và quan trọng hơn hết, mọi giải pháp đều cần đặt trong bối cảnh con người là trung tâm. Cần có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội, hướng dẫn chi tiết về cách rẽ phải an toàn, đồng thời xây dựng thói quen nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau trên đường phố. Một đô thị văn nh không chỉ được quyết định bởi hệ thống giao thông thông nh, mà còn bởi cách mỗi cá nhân hành xử khi cầm lái.
Tổ chức giao thông rẽ phải liên tục hoàn toàn khả thi trong bối cảnh giao thông hiện nay. Quy chuẩn do con người xây dựng, phù hợp trong từng giai đoạn và sẽ cần điều chỉnh cập nhật theo thời gian, điều kiện thực tế.
Cơ quan quản lý có thể cân nhắc các đề xuất, đừng quá rụt rè và phụ thuộc vào nguyên tắc mà bỏ lỡ những giải pháp hay có thể đem lại lợi ích lớn trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông.