Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Sáu, 4/4/2025
Dự thảo trên tay

Người cao tuổi chưa có thẻ Bảo hiểm y tế: Đề xuất Nhà nước hỗ trợ

Hải Hà: Thứ hai 31/03/2025, 15:05 (GMT+7)

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 18 triệu người từ 60 tuổi, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024, ảnh hưởng đến cơ cấu lao động và làm gia tăng gánh nặng về chi phí y tế.

ĐẨY MẠNH SỰ THAM GIA CỦA TƯ NHÂN TRONG CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

Năm 2003, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Dân số, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện công tác dân số, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác dân số. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một bộ luật riêng về Dân số, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và toàn diện đối với lĩnh vực dân số.

Mục tiêu xây dựng Dự thảo Luật dân số là nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, đồng thời kế thừa các quy định còn hiệu quả của Pháp lệnh Dân số; xây dựng các quy định phù hợp với xu thế của thời đại; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, Dự thảo Luật dân số đã đưa ra những quy định nhằm xây dựng các giải pháp khống chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần khắc phục những hệ luỵ về xã hội và nhân khẩu học do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra, thúc đẩy bình đẳng giới.

Các giải pháp bao gồm: tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, Dự thảo bổ sung sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.

Một trong chính sách đáng chú ý của Dự thảo Luật dân số là xây dựng các giải pháp góp phần thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già và đề ra những biện pháp giải quyết xu hướng già hoá dân số trong thời gian tới.

Các định hướng phát triển các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, bao gồm phát triển cơ sở chăm sóc ban ngày kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng; phát triển các thiết bị chăm sóc, công cụ hỗ trợ cho người cao tuổi. 

Đặc biệt đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.

Ngoài ra, Dự thảo Luật dân số cũng đề cập đến các chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ người cao tuổi tìm kiếm việc làm và sử dụng người lao động cao tuổi,  xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi.

Cùng với đó, Dự thảo Luật dân số cũng đưa ra các quy định về ứng dụng những thành tựu khoa học, lồng ghép các nội dung biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già vào kế hoạch của quốc gia, bộ, ngành, cơ quan và trong các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội.

Dự thảo Luật Dân số sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Quốc hội  cho ý kiến Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV năm 2025 và thông qua Luật Dân số vào năm 2026.

ảnh minh hoạ

ảnh minh hoạ

SẮP BƯỚC VÀO THỜI KỲ GIÀ HÓA DÂN SỐ

Dự thảo Luật Dân số có những chính sách như thế nào về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi? TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế - cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật dân số về nội dung này.

PV: Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số. Dự thảo Luật đã có những quy định như thế nào về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi?

TS Phạm Vũ Hoàng: Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 khi số lượng người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên, chiếm 10% dân số và người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, thời gian chuyển từ giai đoạn 1, già hóa dân số sang dân số già là 25 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác (Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm).

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế

Để thích ứng với già hoá dân số, đặc biệt là chăm sóc người cao tuổi, trong hệ thống pháp luật hiện nay đã có một số luật điều chỉnh, cụ thể như sau:

Về chăm sóc sức khỏe: hỗ trợ cho gia đình để chăm sóc người cao tuổi (hỗ trợ tài chính và phi tài chính); bảo đảm tài chính cho người cao tuổi; thúc đẩy già hóa tích cực và khỏe mạnh (khuyến khích người cao tuổi tham gia làm việc, xây dựng môi trường thân thiện với người già...) đã được quy định trong Luật Người cao tuổi năm 2019.

Về chăm sóc xã hội: cung ứng dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Người cao tuổi

Về tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu: khuyến khích chủ lao động duy trì, sử dụng người lao động là người cao tuổi được quy định trong Bộ luật Lao động

Về bảo hiểm cho người cao tuổi đã được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất giải pháp “Mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước đóng”.  Bổ sung khoản 3 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế đối tượng là Người cao tuổi”.

Lý do là, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2024, số lượng người cao tuổi là 14,2 triệu người; còn khoảng 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; như vậy số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế là khoảng 710.000 người.

PV: Vâng xin cảm ơn ông! 

CẦN THÍCH ỨNG VỚI DÂN SỐ GIÀ

Dự thảo Luật dân số nếu được thông qua sẽ tác động đến những nhóm đối tượng nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và quản lý công, Đại học kinh tế quốc dân xung quanh nội dung này.

PV: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì dân số Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa, để có thể là giải quyết vấn đề này, theo ông, các chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần điều chỉnh, cụ thể hóa như thế nào trong dự thảo Luật dân số?

GS Giang Thanh Long: Những quy định được nêu trong dự thảo Luật dân số hiện nay rất đúng, thể hiện rất rõ hai vấn đề: một là chúng ta đang thích ứng với dân số có tỷ suất sinh giảm và chúng ta đã có những chính sách liên quan chuẩn bị cho những vấn đề liên quan đến già hóa dân số và sau đó là già dân số già thế

GS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và quản lý công, Đại học kinh tế quốc dân

GS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và quản lý công, Đại học kinh tế quốc dân

Đây là những bước chuyển rất quan trọng, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng với dân số già. Ở đây, chúng ta không thể giải quyết mà phải thích ứng với nó. Bởi vì, dân số già là một điểm rất yếu, những vấn đề liên quan đang được đề cập trong Dự thảo luật dân số, tôi nghĩ rằng chúng ta đang thể hiện rất rõ tinh thần thích ứng với dân số già.

Tuy nhiên, Luật dân số không phải là Luật điều chỉnh tất cả các luật khác mà nó phải song hành với các luật khác. Trên thực tế, Luật dân số có thể khẳng định mạnh hơn những vấn đề liên quan đến việc chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta đã có các luật liên quan rồi, cho nên trong trường hợp này, Luật dân số có thể sẽ làm mạnh hơn nữa, khẳng định hơn nữa những vấn đề liên quan đến chăm sóc người cao tuổi.

Ngoài ra, giống như là tất cả những quốc gia khác, theo tôi có thể sẽ lồng ghép thêm cả những vấn đề liên quan đến chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Đây là một khái niệm rất mới Việt Nam, hiện nay thì chúng ta chưa có khái niệm cụ thể về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Trên thực tế, các quốc gia, người ta đã thích ứng và người ta làm rất thành công, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc đưa người ta chuẩn bị từ xa cho chính sách và họ đã xây dựng được bảo hiểm chăm sóc dài hạn.

Trong Dự thảo Luật dân số cũng có thể là đề cập  chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi nhưng mà phải kết hợp với Luật Bảo hiểm y tế. Vì trên thực tế, bảo hiểm y tế, có thể xây dựng bảo hiểm chăm sóc dài hạn song hành với nhau để từ đó chúng ta có nguồn lực tài chính chuẩn bị dần cho hàng chục triệu người cao tuổi với nhu cầu chăm sóc trong thời gian tới.

Một lần nữa phải khẳng định là luật Dân số nhấn mạnh những vấn đề chăm sóc người cao tuổi là rất đúng nhưng mà nó sẽ không phải là luật điều chỉnh các luật khác mà cần phải làm rõ, cần phải tạo tiền đề để các luật khác người ta cũng có thể để điều chỉnh cho nó phù hợp với bối cảnh dân số chúng ta ta ngày càng già nhanh.

PV: Nếu dự thảo luật dân số được thông qua sẽ tác động chủ yếu đến những nhóm đối tượng nào?

GS Giang Thanh Long: Mục tiêu tổng thể của dự thảo Luật dân số chính là chúng ta đang cố gắng ở góc độ nào đó, tận dụng tốt nhất cơ hội dân số vàng và đồng thời thích ứng với cơ cấu dân số già. Tận dụng tốt nhất để làm sao đảm bảo cân bằng dân số, chúng ta cũng có những chính sách khuyến sinh

Nói về luật dân số, thì ngay ở từ “dân số”, luật này là ảnh hưởng đến toàn bộ dân số, còn tất nhiên là nhóm dân số nào chịu tác động trực tiếp tùy thuộc vào chúng ta nhấn mạnh đến vấn đề gì.

Ví dụ như chúng ta có những chính sách liên quan đến việc thay đổi cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ở góc độ nào đó, nếu như có thể được, chúng ta có thể thay đổi cả hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Tùy thuộc vào khía cạnh nào chúng ta nói đến, tùy thuộc vào các điều kiện khác nhau, các quy định khác nhau chúng ta sẽ thấy là các nhóm dân số được tác động như thế nào.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông.

CẦN HỖ TRỢ MỘT CÁCH TỐI ƯU NHẤT

Theo Tiến sĩ Luật học Nguyễn Hoàng Hà, Chuyên gia Luật lao động, văn phòng ILO tại Việt Nam, nhóm người cao tuổi có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước nên cần có những chính sách, chế độ hỗ trợ người cao tuổi tối ưu:

Tiến sĩ Luật học Nguyễn Hoàng Hà, Chuyên gia Luật lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam

Tiến sĩ Luật học Nguyễn Hoàng Hà, Chuyên gia Luật lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam

"Có một điều đáng buồn, lực lượng người cao tuổi đã dành cả quãng thời gian rất dài nhưng mà rất nhiều người vẫn đang phải kiếm sống.

Với thực trạng già hóa dân số hiện nay, tôi cho rằng rất cần vai trò của Nhà nước trong vấn đề hỗ trợ chính sách đặc biệt cho lực lượng này. Vừa rồi chúng tôi cũng tham dự một số buổi tọa đàm về chính sách cho người lao động lớn tuổi do VCCI TP Hồ Chí Minh tổ chức, chúng tôi cũng nói quan điểm, cách nhìn là chúng ta cần phải tiếp cận một cách cởi mở và chúng ta phải hỗ trợ họ một cách tối ưu nhất . Chúng ta cần chính sách nào đó để hỗ trợ họ, chính sách cho người cao tuổi sẽ được coi trọng.

Tôi nghĩ đối tượng người cao tuổi, họ đã dành thời gian rất lớn, từ thời kỳ thanh niên, trung niên đóng góp cho đất nước. Nếu nói ở góc độ về quyền tiếp cận bảo hiểm y tế, thì họ có đầy đủ quyền và tôi ủng hộ Nhà nước nên có sự hỗ trợ, đặc biệt là Bộ Y tế hỗ trợ cho vấn đề này. Việc sửa đổi về Luật bảo hiểm y tế gần đây là căn cứ rất quan trọng khi xây dựng các văn bản hướng dẫn (như Nghị định) nên bao phủ nhóm đối tượng này. Vì họ là người đã đóng góp cho đất nước nên trân quý những đóng góp của họ và nên có sự hỗ trợ".

Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019. Trong đó, có khoảng 5% người cao tuổi, từ 60-80 tuổi, tương đương 710 nghìn người không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp xã hội, không hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ.Nhiều tỉnh/ thành phố khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở

Những quy định mới của Dự thảo Luật Dân số sẽ giải quyết được bất cập trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Luật Dân số? Nếu được ban hành, các quy định của Dự thảo Luật Dân số sẽ cải thiện các chế độ, chính sách cho người cao tuổi?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật dân số qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các vi phạm giao thông bị ghi nhận qua hệ thống camera giám sát, Công an TP Hà Nội vừa công bố danh sách các địa điểm tiếp nhận và xử lý phạt nguội mới trên địa bàn thành phố.

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Đám cháy bùng phát tại căn nhà cấp 4 rạng sáng 2/4 ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nơi có 8 người trong gia đình sinh sống. 5 người thoát ra ngoài, 3 người không may mắn bị kẹt lại tử vong, trong đó có bé trai khoảng 5 tuổi…

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay ngày 3/4, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Thính giả Minh Quân hỏi (Cần Thơ): “Xin hỏi, theo Nghị định 168 thì tài xế vi phạm những lỗi nào sẽ bị tước giấy phép lái xe ô tô?”.

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Thời gian qua, tại nhiều khu vực ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xuất hiện những bãi rác tự phát ngổn ngang, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Người mẹ quay lại ngôi nhà cứu con trai lớn nhưng lúc đó căn nhà bất ngờ đổ sập xuống nên không thể thoát ra được.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Mới đây Quốc hội đã thông qua phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC với số tiền hơn 38.200 tỉ đồng. Vậy kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sắp tới như thế nào?