Đề xuất hoàn thiện quy chuẩn xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn

VOVGT - Đã đến lúc, Bộ GTVT và Bộ GT&ĐT cần phối hợp ban hành quy chuẩn xe đưa đón học sinh và quản lý chặt chẽ hoạt động của nhóm phương tiện này.

Nghe nội dung chương trình tại đây:

 

Xe đưa đón học sinh Trường Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thực tế, tình trạng các phương tiện được nhà trường ký hợp đồng đưa đón học sinh có chất lượng hạn chế còn xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua, đặc biệt là tại các địa bàn ngoại thành hay khu vực nông thôn. Trong khi đó, tại khu vực đô thị, chất lượng phương tiện được đảm bảo hơn, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trên xe chỉ được bố trí một người lái, dẫn đến việc không đủ khả năng để nhắc nhở và đảm bảo an toàn cho các em.

Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, đặc thù của đối tượng hành khách trên các phương tiện loại này là các em học sinh. Các em đều ở trong lứa tuổi non nớt, chưa có đầy đủ kiến thức an toàn khi lên xuống và lưu thông trên xe. Tình trạng các em chạy nhảy, đùa nghịch khi xe đang chạy vẫn thường xuyên xảy ra; dẫn đến nguy cơ sự cố, tai nạn không mong muốn có thể thường trực bất cứ lúc nào.

Những thực tế nêu trên cho thấy, việc ban hành quy chuẩn thống nhất đối với xe đưa đón học sinh, cũng như có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với hoạt động của nhóm phương tiện này, đang là những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã có những trao đổi cụ thể về vấn đề này.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

Trước những yêu cầu đang đặt ra, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phó Giám đốc Ban Quản lý bến xe Mỹ Đình cho rằng, nước ta đã có những quy định rất đầy đủ và chặt chẽ về điều kiện lưu hành đối với xe hợp đồng, trong đó có phương tiện sử dụng để đưa đón học sinh. Do đó, để hạn chế tối đa sai phạm, vai trò chủ động của các nhà trường và sự vào cuộc của cơ quan chức năng là rất quan trọng.

Ông Tuấn lưu ý: Hợp đồng thì nhà trường phải quan tâm lưu ý. Khi ký hợp đồng thuê các phương tiện này nếu không hiểu sâu về lĩnh vực phương tiện vận tải này thì có thể tham khảo hỏi, nhờ các cơ quan quản lý như Sở GTVT để kiểm tra xem doanh nghiệp này có chức năng kinh doanh xe hợp đồng không, lái xe là loại bằng như thế nào; trong quản lý phải chặt chẽ hơn.

 

Trong khi đó, về phía nhà trường, bà Nguyễn Thị Mai, hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, các cơ sở giáo dục cũng rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan quản lý, trong việc kiểm định chất lượng phương tiện: Tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông, không chỉ phương tiện đưa đón học sinh là phải đảm bảo an toàn. Vấn đề an toàn hay không thì những xe tham gia giao thông phải được kiểm định nhà nước, phải mang tính chặt chẽ. Còn tại trường học cũng không thể nào kiểm soát được chất lượng của một xe đấy mà chủ yếu là phải nhờ vào các cơ quan chuyên môn được phép cấp cho xe đó lưu hành như thế nào.

 

Xe ô tô hết hạn kiểm định, được cải tạo lại để đưa đón học sinh đỗ trong sân Trường Tiểu học Tốt Động. Ảnh: Hà Nội mới

Trước những yêu cầu này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, cơ quan này đang phối hợp với chính quyền địa phương các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa kiểm tra, rà soát lại nhóm phương tiện ký hợp đồng với các trường để tăng cường quản lý. Bên cạnh đó, vấn đề trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông cho các em học sinh là vô cùng quan trọng.

Do đó, cơ quan này sẽ cùng với Ban An toàn giao thông thành phố sẽ tập trung tổ chức các đợt tuyên truyền đến các nhà trường, để từng bước nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh trong thời gian tới.

Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổng công ty vận tải Hà Nội đang khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt đưa đón học sinh để triển khai trên thực tế, đảm bảo an toàn cho học sinh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.