Đề xuất giải pháp xử lý đối với phương tiện hết niên hạn và vô thừa nhận

VOVGT - Vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng là làm thế nào để đáp ứng kho bãi và ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý, tái chế các phương tiện hết niên hạn.

Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt đã tăng nặng một số hành vi vi phạm, trong đó có hành vi sử dụng xe hết niên hạn sử dụng. Thậm chí, với mức độ vi phạm nghiêm trọng, các hành vi này có thể bị xem xét chuyển đổi mức độ xử phạt sang vi phạm hình sự.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước sẽ có thêm 23.000 phương tiện cơ giới hết niên hạn sử dụng, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 5.400 phương tiện và Hà Nội có khoảng 2.200 phương tiện. Tính cộng dồn đến thời điểm trên, cả nước sẽ có khoảng 290.000 phương tiện các loại, gồm cả xe con, xe khách, xe tải và xe chuyên dùng hết hết niên hạn sử dụng, không được phép lưu thông. Bên cạnh công tác quản lý, kiểm soát và ngăn chặn các phương tiện này tiếp tục lưu thông, vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng là làm thế nào để đáp ứng kho bãi và ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý, tái chế lại các phương tiện này theo đúng quy định và đáp ứng được các điều kiện về đảm bảo môi trường.

Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với vấn đề trông giữ, xử lý đối với phương tiện vi phạm giao thông. Thực tế, theo lực lượng CSGT các địa phương, trong số các phương tiện tồn đọng bị tạm giữ vì vi phạm giao thông, không ít phương tiện quá thời hạn xử lý nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời. Việc hàng nghìn phương tiện vi phạm giao thông nằm “đắp chiếu” tại các kho, bãi giữ xe tại các địa phương đang đặt ra những vấn đề lo ngại và gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thụ lý, giải quyết. Nếu không được xử lý kịp thời thì ngoài việc làm cho kho bãi trở nên quá tải, số lượng phương tiện này sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, gây lãng phí xã hội rất lớn.

Cả ngàn xe vi phạm “đội” mưa nắng tại bãi xe của cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Người lao động

Do đó, để tránh gây lãng phí kéo dài cả về giá trị sử dụng phương tiện lẫn bãi trông giữ xe như hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý xe vi phạm; đồng thời tăng cường các biện pháp thông báo, yêu cầu các chủ xe đến xử lý. Sau đó, khi đã có căn cứ xác định người điều khiển phương tiện không đến làm thủ tục nộp phạt, nhận lại xe vi phạm theo quy định, các đơn vị chức năng cần rút gọn các thủ tục liên quan đến tịch thu phương tiện, thẩm định, bán đấu giá phương tiện vi phạm tồn đọng.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị đề xuất: "Chúng ta thu những xe mà cứ để thành đống sắt vụn, những chủ trương như vậy là thiếu năng động, thiếu hợp lý. Ví dụ tôi thông báo trong 2 tháng mà không ai đến nhận thì tôi bán đấu giá cho người nghèo thu công quỹ, thì đỡ biến thành đống sắt vụn, kể cả ô tô. Tôi nghĩ là chúng ta làm cái gì có lợi cho xã hội thì ta làm chứ không nên chần chừ, hoặc cứ phải dựa thủ tục. Ở đây chúng ta uyển chuyển áp dụng luật trong xã hội thì người dân sẽ đỡ khổ và giao thông sẽ thông thoáng hơn".

Bên cạnh đó, đối với những phương tiện quá niên hạn sử dụng hoặc không thể sử dụng được do bị hư hỏng trong quá trình tồn đọng tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm theo thời gian, việc nghiên cứu các công nghệ để xử lý phế thải và tái chế là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn hạn chế khi thực hiện tại Việt Nam. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Việt Nam thì quy định đối với xử lý phế thải cũng đã có về thu hồi các sản phẩm phế thải, ví dụ như ô tô hết niên hạn sử dụng, hiện nay đang giao cho các hãng sản xuất có trách nhiệm thu hồi các sản phẩm hết niên hạn của mình. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, người sử dụng cũng chưa quan tâm đến việc này để phối hợp. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới triển khai các quy định thì cần có đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như người sử dụng phương tiện, thì việc xử mới hoàn thiện và tích cực, đóng góp cho môi trường và xã hội được tốt".

Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới hiện nay, việc xử lý phế thải, tái chế có quy định rất chặt chẽ, xuất phát từ quan điểm an toàn trong giao thông vận tải và bảo vệ môi trường. Các phế thải phải được phân loại ra, ví dụ như: kim loại, sắt thép, cao su, ắc quy… sẽ được phân loại riêng để xử lý đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.

Vì vậy, trước những bất cập nảy sinh tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm cũng như phương tiện hết niên hạn sử dụng do điều kiện bảo quản không có, các ý kiến chuyên gia và lực lượng chức năng cho rằng, trong thời gian tới, các quy định cụ thể cần được các Bộ ngành liên quan sớm ban hành để hướng dẫn thực hiện đối với công tác thu hồi và xử lý phế thải phương tiện. Có như vậy, chúng ta mới quản lý chặt chẽ được việc chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh gây khó khăn trong hoạt động của lực lượng chức năng trong thời gian tới.