Đề xuất điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe gắn máy với học sinh theo hướng nào hợp lý

VOVGT- Có đề xuất cho rằng cần nghiên cứu, nếu thấy đủ điều kiện thì có thể cho học sinh từ 16 tuổi điều khiển và học thi lấy giấy phép lái xe gắn máy trên 50cc

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hiện nay, nhiều học sinh THPT đã sử dụng xe máy như phương tiện đi lại hàng ngày (Ảnh: Zing.vn)

Chưa đủ tuổi nhưng điều khiển xe máy, đa số học sinh đến trường bằng xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 là vi phạm phổ biến của một bộ phận học sinh THPT trên địa bàn Thủ đô hiện nay. Điều này đang gây ra những ý kiến khác nhau trong cộng đồng học sinh và phụ huynh bởi hành vi này mặc dù chưa đúng với Luật Giao thông đường bộ nhưng lại đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh.

Tuy nhiên, việc học sinh vô tư vi phạm về độ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông mà còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi đường. Vì thế, có ý kiến cho rằng đã đến lúc nên nghiên cứu lại xem tuổi nào thì được điều khiển xe máy; đặc biệt là trong điều kiện học sinh hiện nay đủ 15 tuổi trở lên là có đủ thể lực điều khiển xe máy.

>>>Cần hạn chế tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ khi vi phạm

Luật sư Đặng Thành Chung – Công ty Luật An Ninh nêu ý kiến: “So với nhiều năm trước, thể trạng và sức khỏe của các em học sinh hiện nay đã được cải thiện hơn rất nhiều nên hoàn toàn có thể điều khiển xe máy. Cái họ thiếu là kiến thức và kỹ năng nên trong tổng thể nghiên cứu, các nhà khoa học, tâm lý có thể nghiên cứu lại xem về thể trạng, tâm lý cách đây 10 năm khi Luật giao thông đường bộ quy định độ tuổi điều khiển xe máy so với hiện nay xem độ tuổi có thể trạng, tâm lý khác nhau thế nào và đưa ra điều chỉnh phù hợp”.

 

Liên quan tới vấn đề này, Ủy ban ATGT Quốc gia mới đây cho biết, trong năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến ATGT cho trẻ em và sẽ được cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, đưa những quy định cụ thể liên quan đến trẻ em như: có điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe máy đối với học sinh; xem xét quy định xe đạp điện, xe máy điện nên là xe cơ giới và học sinh phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện an toàn. Cùng đó, hoàn thiện chế tài xử phạt đối với những trẻ em đủ điều kiện xử phạt, đồng thời xử phạt cả với người giám hộ có trách nhiệm.

Việc sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi mặc dù chưa đúng với Luật Giao thông đường bộ nhưng lại đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh. (Ảnh: Báo giao thông)

Theo các chuyên gia, điều đáng quan tâm hiện nay nằm ở việc các em học sinh đang thiếu kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Vì thế bên cạnh việc xem xét điều chỉnh độ tuổi cho phép điều khiển xe gắn máy thì cần sớm có các biện pháp, chương trình để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng giúp các em học tự tin, chủ động khi tham gia giao thông hàng ngày.

Qua việc thực hiện dự án “Nghiên cứu đánh giá về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội", TS Chu Công Minh, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông cũng cho biết đóng góp về việc phải xây dựng các chương trình, hoạt động trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh nói chung và học sinh sử dụng xe gắn máy tới trường nói riêng.

>>>10 năm thực hiện đội MBH: Còn nhiều trường hợp đội mũ chỉ để đối phó

TS Chu Công Minh :"TNGT phần lớn xuất phát từ kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông ở lứa tuổi này còn kém, mà kỹ năng này lại chưa được học đầy đủ. Chúng ta hiện nay mới chỉ chủ yếu dạy lý thuyết và nhận diện một số loại biển báo, đèn tín hiệu giao thông và nguyên tắc tham gia giao thông. Nội dung và thời lượng dành cho giáo dục ATGT thực sự chưa nhiều, so với Nhật Bản chỉ bằng khoảng 1/3. Vì thế cần thêm những chương trình giảng dạy trực quan và thực hành nhiều hơn để giúp học sinh được đào tạo toàn diện".

 

Cụ thể, theo Thạc sỹ Đinh Quốc Thái, chuyên gia giao thông đô thị đề xuất, chúng ta cần sớm thực hiện hai nhóm giải pháp gồm: Có quy chế về độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện là từ 16 tuổi trở lên; Đồng thời phải có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe mới được điều khiển các loại phương tiện này.

Chuyên gia giao thông đô thị Đinh Quốc Thái nêu ý kiến: “Học sinh mà cứ đủ thể trạng, cao, đủ sức khỏe chống chân được là đi thôi. Không nói về vấn đề độ tuổi. Hiện nay, đưa đề xuất về vấn đề như vậy là rất phù hợp. Tuy nhiên, có vấn đề là khả thi hay không, lại liên quan đến quản lý là nhiều. Chúng ta đưa ra thêm một giấy phép lái xe như thế thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào cho hiệu quả. Còn nếu làm được thì rất tốt”.

 

Như vậy, vấn đề cốt lõi để đảm bảo ATGT cho học sinh là các em cần được trang bị thêm các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Do đó, nhà trường và các tổ chức xã hội cần sớm có các biện pháp, chương trình để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng giúp các em học tự tin, chủ động khi tham gia giao thông hàng ngày. Qua đó, góp phần kéo giảm nguy cơ xảy ra TNGT đối với trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.