Đề xuất các giải pháp gỡ khó cho hoạt động HTX vận tải

VOVGT - Để tháo gỡ khó khăn, đòi hỏi phải có thêm biện pháp quản lý; và có sự đánh giá, tổng kết các mô hình HTX nổi bật, phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hiện vẫn còn nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa, thành lập ra chỉ để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải (Chụp tại bến xe Mỹ Đình). Ảnh: Báo Giao thông

Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, cả nước hiện có gần 800 HTX vận tải, trong đó hầu hết là các HTX được thành lập theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, tài sản phương tiện do các xã viên đóng góp và tự quản lý. Khi đó, HTX đóng vai trò trung gian, cung cấp dịch vụ cho xã viên và giải quyết các thủ tục với cơ quan quản lý. Việc không có quyền sở hữu đối với phương tiện dẫn đến năng lực điều hành của ban giám đốc là không cao, là nguyên nhân nảy sinh các bất cập trong hoạt động của HTX vận tải thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cũng đã có những trao đổi cụ thể với phóng viên về nguyên nhân của những bất cập nảy sinh đối với hoạt động của các hợp tác xã vận tải và hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

PV: Thưa ông Nguyễn Văn Quyền, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự hoạt động chưa hiệu quả của nhiều HTX vận tải hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Các HTX trong lĩnh vực vận tải chủ yếu hình thành theo hình thức HTX dịch vụ hỗ trợ, chưa tập trung tư liệu sản xuất. Các HTX chủ yếu mới làm dịch vụ cho xã viên, một số khâu đăng ký thủ tục cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu. Vai trò của HTX đối với quản lý lái xe, an toàn giao thông, chất lượng vận tải còn hạn chế.

Có thể nói, chất lượng của HTX dịch vụ hỗ trợ chưa được như kỳ vọng trong hoạt động vận tải, nhất là công tác quản lý, đảm bảo ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tích tụ tài chính để phát triển sản xuất.

PV: Trước thực tế vừa nêu, ông có đề xuất gì để thúc đẩy các HTX hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Luật đã quy định như vậy, việc lựa chọn mô hình HTX như thế nào là do sự tự nguyện của các xã viên. Nhà nước muốn khuyến khích theo hình thức như thế nào thì phải bằng cơ chế chính sách pháp luật, chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính được. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, muốn nâng cao chất lượng phát triển của các HTX thì trong các văn bản hướng dẫn, Nghị định cần ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, phát triển các HTX theo mô hình quản lý tập trung, tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ cho các HTX, để các HTX phát triển với mức độ và hiệu quả cao hơn.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông với chương trình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thực tế, nước ta có nhiều điểm sáng về HTX vận tải hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Điển hình như: HTX Rạch Ngầm ở Tiền Giang; HTX Thống Nhất ở Tp.HCM; HTX Ánh Dương ở Thừa Thiên Huế; HTX Toàn Cầu, HTX Thăng Long ở Hà Nội. Vấn đề quan trọng để các HTX phát triển có hiệu quả, đó là sự quyết tâm của ban giám đốc trong việc triển khai các phương án tổ chức và quản lý trong đơn vị mình. Bên cạnh đó là sự đồng tâm nhất trí thực hiện các điều lệ HTX của các thành viên.

Ngoài ra, về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá cụ thể về ưu nhược điểm của mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, để có những hướng điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn.

Ông Thanh đề xuất: "Nhà nước tiến tới sửa luật được thì dần chuyển HTX sang các công ty theo hình thái hoạt động công ty thì phù hợp hơn với ngành vận tải ô tô này. Một số chuyên gia cũng góp ý, nếu vẫn duy trì HTX thì không thể chấp nhận mô hình dịch vụ hỗ trợ được, đặc biệt là đối với vận tải ô tô. Những mô hình HTX vận tải khác thì vẫn có thể chấp nhận được. Đối với vận tải ô tô, chúng tôi kiến nghị rất nhiều năm rồi là phải xem xét lại mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ vận tải và buộc phải nâng lên thành luật để các HTX thực hiện cho đúng".

 

Đồng tình về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội nhấn mạnh, cơ quan quản lý cũng cần xem xét các chính sách ưu đãi để thúc đẩy mô hình HTX hoạt động bình đẳng và hiệu quả hơn trong thời gian tới: "Tất cả các ngành kinh doanh đều bình đẳng trước pháp luật, các doanh nghiệp cũng bình đẳng trước pháp luật. HTX là mô hình được nhà nước quan tâm vì nó là doanh nghiệp của người ít vốn, của người nghèo nên phải có chính sách ưu đãi về thuế, về vốn vay, về đất đai làm bãi đỗ xe. Cho xã hội hóa các công trình giao thông để cho các HTX vận tải tham gia thì mới phát triển được".

 

Trước những yêu cầu đặt ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, tổng kết các mô hình HTX nổi bật, phù hợp với sự phát triển để thúc đẩy và nhân rộng. Cơ quan này cũng sẽ chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng hành lang pháp lý để cụ thể hoá các mô hình này trong thực tiễn, đảm bảo tính bình đẳng và sự tuân thủ nghiêm chỉnh của các bên liên quan. Hy vọng, với sự đánh giá, rà soát và thực hiện các biện pháp nêu trên, các HTX vận tải của nước ta sẽ từng bước khắc phục bất cập, đóng góp ngày càng có hiệu quả hơn trong hoạt động vận tải trong thời gian tới.