Đề xuất bỏ xăng A95, chỉ bán xăng sinh học: Đừng tước quyền lựa chọn của người tiêu dùng!

VOVGT- Vào đầu tháng 5/2018, dư luận “dậy sóng” khi công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) đề xuất lên Bộ Công thương chỉ bán xăng E5 RON 92 và E5 RON95

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đề xuất bỏ xăng A95, chỉ bán xăng sinh học đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự lực cho rằng, việc đưa vào bán đại trà hai loại xăng sinh học (E5 RON 92 và E5 RON 95) sẽ có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn phía doanh nghiệp. Ông Tiu nhấn mạnh, xăng sinh học đã được khẳng định về chất lượng, và khi sản lượng xăng sinh học được đẩy mạnh thì nhà máy sản xuất, phối trộn mới làm việc hết công suất, từ đó tiến tới giảm chi phí, hạ giá thành.

Còn ông Nguyễn Lê Ninh - nguyên Phó chủ tịch Hội kỹ sư ôtô Việt Nam phân tích: Xăng E5 có khả năng chống kích nổ còn tốt hơn xăng A95 thuần chủng. Điều đó cho phép xăng E5 có thể sử dụng cho những động cơ vốn có tỷ số nén cao trong các dòng xe chạy xăng hiện đại mà lâu nay người tiêu dùng vẫn phải đổ xăng A95. Vì vậy, người tiêu dùng không cần lăn tăn khi phải thay đổi thói quen đổ xăng A95 sang đổ xăng E5 cho xe.

Trong một động thái khác, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ xem xét kỹ kiến nghị chỉ dùng xăng sinh học và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ của phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và một số chuyên gia, song đề xuất loại bỏ xăng khoáng, chỉ dùng xăng sinh học lại vấp phải phản đối từ đa số người tiêu dùng – đối tượng sẽ quyết định sự tồn tại của mặt hàng trên thị trường. Khảo sát của Fanpage VOV Giao thông cho thấy, trên 80% lượt bình chọn không đồng ý “khai tử” xăng A95, với lý do còn nghi ngại về chất lượng và giá bán xăng E5.

VOV Giao thông ghi nhận một số ý kiến:

 

"Xăng E5 thì rẻ hơn xăng 95 một tí. Nhưng chạy mùa đông thì ít hao hơn mùa hè, còn chạy mùa hè thì tôi chuyển sang chạy 95, vì E5 còn hao hơn cả 95. Chạy E5, cồn bay quanh xe ngửi như mùi rượu ấy, nó không hẳn là mùi xăng. Mình chạy khoảng 300 nghìn xăng thì cảm giác như chỉ có 250 nghìn thôi”

"Tôi không đồng ý. Vì đó là sự độc quyền của bên xăng dầu, sao lại ép người dân dùng xăng sinh học? Người dân làm gì có sự lựa chọn, nó rất bất hợp lý."

Các ban ngành chức năng phải hết sức thận trọng, cần đánh giá thấu đáo đề xuất này, cần chỉ rõ cơ sở để loại bỏ mặt hàng đang được ưa chuộng nhất thị trường hiện nay là xăng A95.

Có thể nhận thấy, từ phân tích của những người ủng hộ đề xuất chỉ bán xăng sinh học đến thực tế trải nghiệm người tiêu dùng vẫn còn khoảng cách xa vời. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ, điều ông lo ngại không chỉ là nguồn cung Ethanol (hiện tại chỉ có 1 công ty Tùng Lâm cung cấp Ethanol), mà còn là khâu pha trộn và chất lượng thành phẩm xăng sinh học.

 

“Trong buổi ban đầu, khi lập dự án thì giá đầu ra là 100 đô la/thùng xăng dầu; giá đầu vào nguyên liệu sắn là 2.500-3.000 đồng/kg. Đến nay, giá đầu ra xăng dầu là 70 đô la/thùng, nguyên liệu sắn là 5.000 đồng/kg. Như vậy, nó không phù hợp với giá ban đầu. Bên cạnh đó, thiết bị sử dụng công nghệ của Trung Quốc rất lạc hậu. Nếu so với Ethanol sản xuất của Tùng Lâm thì thua xa của Brazil và Mỹ, giá thành cao hơn, chất lượng thấp hơn”.

>>> Xăng sinh học: Quản lý và kinh doanh thế nào?

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm, các góc nhìn về vấn đề này cần dựa trên quyền lợi của người tiêu dùng:

 

“Các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô tại nước ta cần công bố công khai với người dân rằng, những loại xe nào sử dụng được xăng sinh học, còn những loại nào không dùng được để người dân biết. Các nhà cung cấp cũng phải có nhiều cột bơm xăng các loại, chứ bây giờ chỉ còn xăng sinh học, chỉ có lợi cho các nhà cung cấp thì không được!”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quản trị diễn đàn Otofun – dẫn chứng từ thị trường Mỹ khi tất cả cơ sở sản xuất xăng sinh học lớn phải có một phòng thí nghiệm giám sát chất lượng đầu ra sản phẩm, nếu trượt một tiêu chí trong bài kiểm tra, các cơ sở sẽ phải nộp phạt, thậm chí phá sản do các quy định nghiêm ngặt. Liên hệ với thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói:

 

“Nếu bắt buộc phải chuyển sang xăng sinh học, thì yêu cầu đầu tiên của người tiêu dùng với các nhà quản lý là công bố chất lượng xăng. Người tiêu dùng có quyền biết được tính chất lý hóa, sự ổn định của xăng sinh học, do bên nào cung cấp, có tác động ra sao đến phương tiện/tài sản của họ ra sao”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nêu quan điểm, đề xuất chỉ lưu hành xăng sinh học trên thị trường xuất phát từ một doanh nghiệp đơn lẻ, vì vậy, các ban ngành chức năng phải hết sức thận trọng, cần đánh giá thấu đáo đề xuất này, cần chỉ rõ cơ sở để loại bỏ mặt hàng đang được ưa chuộng nhất thị trường hiện nay là xăng A95.

Ông Nguyễn Công Hùng nói:

 

“Cho dù họ có đề xuất thế nào thì cũng phải có đánh giá, có trưng cầu ý kiến của người dân. Còn xăng RON 95 cũng là một trong những loại nhiên liệu sạch theo Thông tư 49 của Chính phủ. Loại xăng này đã được người dân tin dùng và sử dụng. Vì vậy, chúng ta nên để lại một sản phẩm nữa để người dân có lựa chọn, đảm bảo an toàn cho phương tiện của họ. Tin dùng sản phẩm của ai thì ta mới dùng chứ”

>>> Chỉ bán xăng sinh học, phân phối như thời “bao cấp”? 

Sử dụng xăng sinh học đang là xu thế tất yếu trên thế giới với 3 mục tiêu: Bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng và khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển. Một số nước thậm chí đã dùng đến xăng E85. Việt Nam thực hiện lộ trình cung cấp đại trà xăng sinh học E5, sắp tới là E10 được cho là chủ trương đúng đắn.

Nhưng đề xuất xóa sổ các loại xăng truyền thống phải được các cơ quan quản lý cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây xáo trộn tâm lý, thiệt hại tài sản của người tiêu dùng. Thực tế có thể thấy rõ, thị trường Việt Nam lúc này chưa sẵn sàng cho việc chỉ sử dụng xăng sinh học, người tiêu dùng không muốn bị tước quyền lựa chọn sản phẩm.