Để việc học an toàn giao thông không còn là hình thức

Hoàn toàn có thể cấp bằng lái cho đối tượng học sinh, từ 16-18 tuổi, trên cơ sở xây dựng và tăng cường thêm các nội dung, các quy tắc tham gia giao thông an toàn, trong đó học sinh phải vượt qua một kỳ thi sát hạch của cơ quan chuyên môn.

Không phải đến bây giờ việc cấp bằng lái cho người từ 16-18 tuổi mới được quan tâm, mà trước đó, năm 2020, khi xây dựng dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc cấp bằng lái A0 đã được đặt ra.

Vào thời điểm đó, một khảo sát của UBATGTQG cũng cho thấy, có 52% học sinh bậc THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy. Trong bối cảnh phát triển rất nhanh của các loại phương tiện giao thông, trong đó có phương tiện hướng đến lứa tuổi từ 16-18 tuổi cũng ngày càng đa dạng.

Ảnh nh hoạ

Nhu cầu lớn, phương tiện nhiều, nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Việc để cho học sinh sử dụng chiếc xe với vận tốc 30 km/h, thậm chí lớn hơn, mà không yêu cầu giấy phép lái xe khi các em chưa đủ kiến thức về an toàn giao thông để chấp hành luật an toàn giao thông và nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Bởi vậy, cấp giấy phép cho người trên 16 tuổi là rất hữu ích đối với các em học sinh, được trang bị kiến thức an toàn giao thông từ sớm sẽ giúp các em tham gia giao thông một cách an toàn, hạn chế các vụ tại nạn đáng tiếc; đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Cấp giấy phép lái xe cho người từ 16 tuổi, về mặt pháp luật đang có nhiều thuận lợi. Khác với trước đây, với việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp căn cước công dân cho người từ 14 tuổi, giúp cơ quan quản lý có đầy đủ nguồn dữ liệu, không chỉ quản lý dễ hơn, mà có thể đối chiếu để thực hiện việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho lứa tuổi này.

Để thực hiện được điều này, từng bộ, ngành phải xác định việc đảm bảo ATGT cho học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là ưu tiên hàng đầu, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện cho tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.

Trước mắt cần tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cũng như người dân. Theo đó, trong chương trình giáo dục pháp luật của các nhà trường cần tuyên truyền cho các em về kỹ năng tham gia giao thông. Cần đưa kiến thức và các nội dung về giao thông đường bộ, lồng ghép vào môn giáo dục công dân như một phần bắt buộc.

Cùng với đó, các em phải vượt qua kỳ thi sát hạch, có thể tổ chức tại nhà trường để được cấp giấy phép lái xe, tránh gây xáo trộn quá lớn cho việc thực hiện. Điều này vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa phù hợp với tình hình thực tế về tâm sinh lý, ý thức chấp hành giao thông hiện nay của thanh thiếu niên.

Ảnh nh hoạ

Ngoài ra, các phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc không giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, nhắc nhở con em chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Phụ huynh cũng phải nhận thức được rủi ro khi khi cho con em tham gia giao thông đường bộ có thể bị tai nạn, và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tai nạn cho người khác.

Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cần kết hợp với nhà trường trong việc “nói không” với việc để học sinh chưa có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông yêu cầu phải có giấy phép.

Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ nhà trường, gia đình và xã hội, thông qua tuyên truyền với học sinh, người dân, từ đó tiến tới thực hiện cấp bằng lái hoàn toàn có thể thực hiện được

Việc quy định sẽ đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho nhóm người điều khiển phương tiện này sẽ vừa gắn trách nhiệm pháp lý của cả người điều khiển xe máy điện, cả người giám hộ, đồng thời cũng là hình thức tuyên truyền mạnh mẽ, thiết thực, nghiêm túc, hướng đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người điều khiển phương tiện và nhiều người tham gia giao thông khác.

Đó là lý do nhiều nước như Mỹ, Canada, Mexico… thực hiện cấp giấy phép lái xe cho người dưới 18 tuổi, thậm chí có quốc gia cấp bằng lái cho người đủ 16 tuổi./.