Để thu hút người lao động gắn bó lâu dài với Bảo hiểm xã hội

Việc sửa đổi Luật BHXH là vấn đề hệ trọng, tác động trực tiếp đến đời sống anh sinh của người dân. Vì vậy, các chính sách cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng một cách khách quan, toàn diện và có tầm nhìn, để thu hút người lao động gắn bó lâu dài.

Trước những bất cập, hạn chế bộc lộ thời gian qua, hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với những điểm mới như công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. 

Về rút BHXH một lần, có phương án cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu...

Đây là những điểm mới, nếu đưa vào áp dụng và thực thi trong cuộc sống sẽ góp phần giúp cho lưới an sinh xã hội có khả năng bao quát và hỗ trợ tốt cho người tham gia lúc hết tuổi lao động cũng như khi về hưu.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của chuyên gia và người lao động - Ảnh nh họa

Luật sửa đổi cũng hướng đến mục tiêu phủ bảo hiểm xã hội đến toàn dân. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ở cả hình thức bắt buộc và tự nguyện.

Đây là đích đến nhằm giải quyết bài toán an sinh xã hội mang tính cấp thiết và lâu dài, khi dân số Việt Nam vào các năm này đang già hóa nghiêm trọng. Số người hết tuổi lao động, cần trợ cấp xã hội, đảm bảo cuộc sống lúc về già tăng lên; người trong độ tuổi lao động giảm đi rõ rệt.

Bài toán gánh nặng về chi phí, sinh hoạt để duy trì đời sống của nhiều người già sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiền hưu trí, hoặc trợ cấp xã hội mà quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trước đây giờ họ được hưởng.

Tuy nhiên hiện nay, thách thức rất lớn đặt ra cho vấn đề đóng bảo hiểm xã hội ở nước ta là tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra ngày càng nhiều. Có thời điểm số người rút còn nhiều hơn số người đóng.

Nguyên nhân là nhiều lao động, sau 2 năm đại dịch covid, do mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút nên để trang trải cuộc sống khó khăn đã không ngần ngại đến trụ sở bảo hiểm xã hội để rút số tiền tích cóp nhiều năm về chi xài trước mắt. Họ không thể nghĩ được về tương lai dài hơn.

Đó là khi hết tuổi lao động, lúc đau yếu, nguy cơ không được hiểm bảo hiểm chi trả hay các chế độ an sinh khác mà mình đã từng được tham gia; trong đó có cả chế độ mai táng của bản thân và tử tuất cho thân nhân. Đây là điều rất đáng lo ngại cho mỗi lao động khi hết tuổi làm việc.         

Hiện nay, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp đóng góp ở nhiều cấp, nhiều ngành. Vấn đề còn lại là khâu tiếp thu và chỉnh lý, bổ sung sao cho phù hợp để không chỉ giải quyết bài toán làn sóng người lao động rút bảo hiểm một lần đang diễn ra mà còn có tính ổn định, lâu dài; khuyến khích người trong độ tuổi lao động đều tham gia bảo hiểm xã hội và duy trì đến khi về hưu.         

Rõ ràng, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi lần này muốn bền vững rất cần sự đồng thuận cao của nhân dân. Việc phổ biến để các thành phần trong xã hội đóng góp ý kiến cho đợt sửa đổi lần này vì thế cần tiếp tục được tổ chức nhiều hơn, rộng rãi và chuyên sâu hơn.

Đây cũng chính là dịp truyền thông để người lao động hiểu rõ thêm về quyền lợi lâu dài mà bảo hiểm xã hội mang lại. Đó là cuộc sống khi về già không bị quá nhiều rủi ro, bất trắc nếu có tham gia bảo hiểm xã hội ngay từ bây giờ.