Kể từ khi có dịch vụ xe đạp công cộng, Đỗ Thị Kim Mỹ, sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân có thêm lựa chọn tiện lợi, giá rẻ để di chuyển đến những địa điểm gần ký túc xá: "Bất cứ ai cũng có thể sử dụng nếu mình tải app và liên kết với ngân hàng. Nó bảo vệ môi trường, cũng tiện, đi hít thở không khí cũng được hoặc đi đến những nơi cần thiết cũng được. Thỉnh thoảng em cũng lấy phải một số xe lốp non, nên là chắc cần kiểm tra định kỳ nhiều hơn".
Dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội đã chính thức hoạt động từ ngày 24/8/2023 với 79 điểm trạm và 1.000 phương tiện, giá vé lượt 30 phút là 5.000đ.
Dù đã có đông đảo người dân ủng hộ song Vũ Đức Hoàng, ở quận Hoàn Kiếm cho rằng, xe đạp công cộng vẫn chưa xuất hiện nhiều trên đường phố và chủ yếu phục vụ khách du lịch, những người muốn tham quan, trải nghiệm:
"Em sử dụng cũng chỉ để có phương tiện đi lại ngắm phố phường. Phương tiện đi học thì em nghĩ là cũng hơi bất tiện, người đi làm thì cũng phải tùy địa điểm có gần chỗ để xe đó không. Bởi vì cái này chỉ có ở một số vùng trung tâm, cũng khó tiếp cận khu vực ngoại thành hay xa hơn", Đức Hoàng cho biết.
Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam, đơn vị phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội cho biết, dự án đã đạt được nhiều kết quả và phản hồi tích cực. Tính đến ngày 9/11, có khoảng 110.000 tài khoản đăng ký sử dụng, tổng số chuyến đi là 143.912, tổng số giờ thuê xe là 128.658, tổng quãng đường di chuyển hơn 900.000 km. Trung bình mỗi ngày có 1.649 chuyến đi với thời gian di chuyển bình quân là 52 phút. Xe đạp công cộng cũng xuất hiện trong nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là chương trình đạp xe của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Hà Lan.
Tuy nhiên, các trạm xe đạp công cộng mới xuất hiện ở 6 quận trung tâm, nhu cầu đi chơi, đi dạo vẫn là chủ yếu, chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
Ông Đỗ Bá Quân cho biết, đơn vị vận hành đang đề xuất Thành phố cho mở rộng dịch vụ ra các quận xung quanh để thu hút người sử dụng nhiều hơn nữa: "Chúng tôi đang nghiên cứu mở rộng khoảng 2.000 xe trong năm 2024, chủ yếu tập trung ở các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân,… có mật độ dân số cao; những trạm xe buýt, nhà ga có những vị trí phù hợp để đặt thêm trạm xe ở đó. Hằng ngày có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7. Những chương trình khuyến mại như nạp số tiền đáp ứng quy định thì các bạn đạp xe trong một tháng chỉ mất 5.000 điểm, tương đương 5.000 đồng; chương trình bán cho khách hàng chỉ với giá 20.000 điểm để sử dụng xe một tháng,…"
Đồng tình với giải pháp mở rộng diện bao phủ của xe đạp công cộng, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình đề xuất thêm giải pháp thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý: "Xe đạp có ưu điểm là không phát thải, tạo được hoạt động thể chất cho người dân, cần được khuyến khích phát triển. Trong bối cảnh lý tưởng có thể thiết lập những làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe đạp trên một số tuyến nào đó, bởi vì tại các đô thị lớn của Việt Nam, xe đạp vẫn là phương tiện yếu thế. Ở một số nước phát triển, người ta đã làm, nếu chúng ta triển khai được thì chắc chắn sẽ khuyến khích được người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn"./.