Để tài xế xe buýt chuẩn chỉ

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản 73 trường hợp xe buýt vi phạm nội quy hoạt động và các quy định về giao thông. Những phương tiện xe buýt vi phạm luật giao thông không chỉ khiến người đi đường mà cả hành khách cũng cảm thấy e ngại.

Thường xuyên chở khách đến Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Thắng, tài xế taxi ở Vĩnh Phúc, không ít lần cảm thấy phiền toái khi bị xe buýt tạt đầu: "Xe họ dài, họ chỉ cần vượt đến nửa xe thôi là họ tạt đầu sang rồi, rất là nguy hiểm. Không chỉ riêng mình mà nhiều người khác cảm thấy bức xúc. Vừa nãy trên cầu Thăng Long, mình đang đi làn đường của mình, ông xe buýt từ làn khẩn cấp tạt ra, mình phanh gấp lại thì có một cái xe máy không phanh kịp, đâm vào đuôi xe mình".

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản 73 trường hợp xe buýt vi phạm nội quy hoạt động và các quy định về giao thông. Tổng số tiền xử phạt hơn 80 triệu đồng, tạm giữ 1 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 5 trường hợp.

Những phương tiện xe buýt vi phạm luật giao thông không chỉ khiến người đi đường mà cả hành khách cũng cảm thấy e ngại:

"Em hay di chuyển trên tuyến 11. Có lúc bác tài lái an toàn, có tuyến thì bác tài lái hơi nhanh, hơi ẩu, nên em cũng thấy sợ. Em thấy vượt ẩu với đi lấn làn là nhiều".

"Các bác tài xe buýt thường bị ép chuyến, đúng giờ thế này thế kia, nên là chạy hết khả năng, cậy xe to là chèn ép tất cả phương tiện khác. Các lực lượng chức năng phải có chế tài thật rắn với các bác tài lái xe buýt".

Theo các chuyên gia, bên cạnh ý thức của một bộ phận tài xế xe buýt còn chưa cao thì áp lực từ công việc, từ điều kiện giao thông hỗn hợp, đông đúc cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, các đơn vị vận hành cần nhắc nhở và tập huấn cho lái xe thường xuyên, liên tục: "Lái xe cơ bản là tốt, tất nhiên không tránh khỏi một số trường hợp vi phạm. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng và hiệp hội chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để cho anh em lái xe được trau dồi và nâng cao văn hóa. Ta đã làm rồi, nhưng cái này phải là cả một quá trình liên tục".

Bên cạnh việc tuyên truyền và xử lý vi phạm, việc thay đổi biểu đồ chạy xe cũng cần được đơn vị vận hành tính đến để giảm áp lực thời gian, số chuyến cho tài xế (Ảnh nh họa - Vietnamnet)

Trao đổi với PV VOV Giao thông, ông Dương Minh Thắng, Phó giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội cho biết, lái xe khi tuyển dụng đều được đào tạo, tập huấn về an toàn giao thông và kỷ luật chạy xe. Công ty cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Còn với Tổng công ty vận tải Hà Nội, ông Tạ Minh Khang, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ cho biết: "Tổng công ty phối hợp Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội để tổ chức các lớp tập huấn về Luật GTĐB và các lưu ý trong quá trình vận hành phương tiện, mục đích nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức của đội ngũ công nhân lái xe trong việc chấp hành Luật giao thông. Tổng công ty sẽ tiếp tục phối hợp Phòng CSGT Hà Nội để tổ chức liên tục trong thời gian tới".

Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, tập huấn và xử lý vi phạm tạo sức răn đe thì việc thay đổi biểu đồ chạy xe cũng cần được đơn vị vận hành tính đến. Như VOV Giao thông đã từng đề cập, khi tài xế không còn bị “ép” về thời gian xuất bến, không bị áp lực số chuyến để đảm bảo thu nhập thì mới giảm thiểu tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu và các vi phạm giao thông khác.