Để những ước mơ không bị “đánh cắp”

Giữa Sài Gòn hoa lệ, có một lớp học tình thương đã âm thầm duy trì suốt 15 năm để giúp con em công nhân các khu công nghiệp, chế xuất nghèo không được đến trường tiếp cận con chữ.

Biết đọc, biết viết và biết tự lập chính là cách để tuổi thơ các em không bị lem luốc, những ước mơ không bị “đánh cắp” và sâu thẳm hơn mong rằng cuộc đời không mắc kẹt trong cái nhọc nhằn, nghèo khó.

VIDEO: ĐỂ NHỮNG ƯỚC MƠ KHÔNG BỊ ĐÁNH CẮP

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khoảng 17 giờ chiều hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, căn phòng ước chừng gần 70m2 tại số 30D, khu phố 2, đường HT23, Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM rộn rã tiếng trẻ chuẩn bị vào lớp.

Đồng phục chỉnh tề, trên lưng áo có ghi dòng chữ “Lớp tình thương Ngọc Việt”, 35 em nhỏ tất bật sắp xếp bàn ghế ngăn nắp; có em lo nấu nước pha mì tôm lót dạ để có sức bước vào lớp học.

Đúng 18 giờ, người thầy bước vào lớp. Sau hiệu lệnh lớp trưởng, tất cả đứng dậy cúi đầu chào thầy.

Học sinh ở đây độ tuổi rải đều từ 8-14 tuổi và học từ lớp 1 đến lớp 4 xen kẽ
---

Học sinh ở đây độ tuổi rải đều từ 8-14 tuổi và học từ lớp 1 đến lớp 4 xen kẽ. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ là công nhân, có khi cả ngày bận mưu sinh kiếm sống phụ cha mẹ, lang thang bán vé số nên khó lòng tiếp cận con chữ.

Đó là thực trạng quá đỗi quen thuộc quanh các khu công nghiệp quận 12, TP.HCM.

Vì thế, cách đây 15 năm, anh Huỳnh Quang Khải - một hướng dẫn viên du lịch đã mở ra lớp học tình thương này. Đến nay, cũng gần 1.000 học sinh từ lớp học tình thương Ngọc Việt biết chữ, có em sau đó đến 15-16 tuổi vào các trường nghề học thêm, từ đây cũng thêm nhiều cuộc đời bước ra ánh sáng.

Thầy Huỳnh Quang Khải - một hướng dẫn viên du lịch đã mở ra lớp học tình thương Ngọc Việt

Bà Bùi Thị Kim Liên, 60 tuổi (quê Long Khánh, Đồng Nai) làm nghề rửa chén thuê, nuôi cháu nội 11 tuổi. Chồng bà làm thợ hồ, cuộc sống cứ đắp đổi qua ngày, hai ông bà chỉ đủ ăn chứ không dám mơ nuôi cháu học hành đến nơi đến chốn. Bé dù đã quá tuổi nhưng mãi chưa vào lớp 1, may thay có lớp tình thương gửi cháu vào học “nhặt’ được con chữ.

“Lúc cháu vô lớp 1 xin tới xin lui cũng khổ, không có tiền cho nó học, không có giấy tờ gì nên không có chỗ nào nhận. May có thầy Khải cho nó học, giờ cháu nó biết chữ rồi tôi mừng quá trời. Mình lúc nào cũng nghĩ nếu không nhờ thầy Khải thì cháu nó giờ đọc làm sao? Nhiều lúc tôi cũng muốn chuyển đi nữa, nhưng chuyển chỗ khác là cháu thất học. Giờ khổ cứ bám trụ xoay vòng, xoay vòng để cháu vài năm nữa lớn lên có gì còn phụ ông bà” - Bà Liên tâm sự.

Con gái chị Trang bị tật ở mắt, học trường thường không theo kịp các bạn, học trường khiếm thị không thể xoay sở được chi phí do hoàn cảnh khó khăn

Còn chị Nguyễn Thị Trang (42 tuổi, quê Tiền Giang) có con gái bị tật ở mắt, học trường thường không theo kịp các bạn, học trường khiếm thị không thể xoay sở được chi phí do hoàn cảnh khó khăn.

May thay, từ ngày con được nhận vào lớp Ngọc Việt, chị đã có những đêm an tâm tăng ca. Nhưng 4 năm trời theo lớp học, con chị vẫn chỉ học lớp 2.

Chị xúc động kể về ngày đầu xin bé vào lớp: “Hên cái là cô gần phòng trọ này nói thôi gửi con vào trường này đi, học được chữ nào hay chữ đó. Thầy thấy vậy cũng thương và nhận vào. Bé lúc trước ở nhà một mình giống tự kỷ vậy đó, không chơi với ai, không dám đi mạnh sợ té vì phản xạ mắt yếu. Giờ qua đây học có bạn chơi, được chạy nhảy một chút nên cũng đỡ, biết hòa nhập. Giờ mong ước lớn nhất của mình là chữa khỏi mắt cho con”.

Hai mẹ con chị Trang trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2

Lớp học tình thương Ngọc Việt đã đi qua hành tình suốt 15 năm, đã thắp lên ngọn lửa, ước mơ cho ít nhiều trẻ em khó khăn. Ít nhiều con chữ từ thuở ê a vỡ lòng cho đến lúc biết đọc biết viết, các bé lớn lên và đặt những viên gạch đầu tiên cho cuộc đời mình.

Được học, được chơi chính là tuổi thơ các em chứ không phải là cuộc đời lem luốc với những tờ vé số, lượm ve chai, bưng bê ở những hàng quán. Ở lớp học này – ước mơ các em không bị “đánh cắp” mà được chắp thêm đôi cánh.

Lớp học đính các ngôi sao khác nhau để phân công nhiệm vụ. 5 sao là Lớp trưởng - 4 sao là Lớp phó...

Anh Huỳnh Quang Khải bộc bạch lý do lớp học này ra đời và động lực giúp lớp duy trì xuyên suốt với một tinh thần đầy tình thương:

“Thật sự mang tiếng là thầy chứ tôi chưa bao giờ nhận mình là một người thầy. Tôi luôn coi tôi là một người anh của các em. Tại sao lại như vậy? Có nhiều người nói tôi là một người khùng, một người điên, đi cưu mang những đứa trẻ chẳng phải là ruột thịt mình.

Nhưng họ không hiểu được tuổi thơ của tôi cũng là trẻ mồ côi. Và tôi nhìn thấy các em, tự nhiên tôi  thấy tuổi thơ của mình, tôi muốn làm cái  gì đó bù đắp lại những gì tôi đã thiếu thốn từ trong tuổi thơ”.

Căn tin 0 đồng phục vụ các em giờ ra chơi

Cuối giờ, thầy Khải giới thiệu học sinh mới với lớp.

Minh, năm nay 14 tuổi, mới bước vào lớp 1. Cả lớp chào đón trong niềm hân hoan. Em thật là một đứa trẻ dũng cảm, khi đến học chữ vào tuổi này cùng các bé nhỏ hơn.

9h tối. Tan giờ học, cũng là lúc cha mẹ tan ca…

Khác với lớp học thông thường, tụi trẻ tự đạp xe, hoặc rủ nhau đi bộ về. Con hẻm nhỏ lại rộn rã trong thanh âm của bảng cửu chương học thuộc lòng ê a…