Để hướng tới phương án tuyển sinh ổn định

Có thể nói, thay đổi trong thi cử hay quy chế tuyển sinh luôn là vấn đề thời sự nóng, được dư luận hết sức quan tâm, bởi liên quan đến tương lai của hàng triệu thí sinh.

Dù những thay đổi này được cho có thể khắc phục bất cập ở các kỳ tuyển sinh trước, song cũng gây xáo trộn tâm lý không nhỏ cho cả thí sinh lẫn các bậc phụ huynh trước mỗi mùa thi. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo kế hoạch, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 sẽ được ban hành trong tháng 6 tới đây. 

Dù còn quan điểm trái chiều, nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung nhận được sự đồng thuận của đa số các trường đại học.

Giải pháp này được đánh giá có thể khắc phục, giảm thiểu tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề đau đầu của các trường ở mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng thừa nhận, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các Sở Giáo dục đào tạo và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống.

Thực tế, xử lý, điều chỉnh khi phát hiện bất cập là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, lường trước các tình huống có thể xảy ra sẽ hạn chế được những thay đổi không mong muốn, gây xáo trộn tâm lý thí sinh.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hiện tại có tới 20 phương thức xét tuyển sẽ được các trường đại học áp dụng trong mùa tuyển sinh 2022 sắp tới.

Ngoài dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh IELTS, xét học bạ, xét tuyển thẳng, nhiều trường đại học trên cả nước cũng sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển.

Với cơ chế tự chủ tuyển sinh, việc đưa ra phương thức mới nào là quyền của các trường. Nhưng không ít ý kiến cho rằng, quá nhiều phương thức xét tuyển như vậy có đánh giá được chất lượng đầu vào, có tăng cơ hội đậu đại học hay chỉ khiến học sinh cảm thấy lúng túng trước ‘ma trận’ phương thức xét tuyển.

Ngoài ra, việc không ít trường giảm mạnh chỉ tiêu ở một số phương thức truyền thống cũng bị xem là sẽ gây sốc cho thí sinh vì các em đã ôn tập theo những phương thức này từ lâu. Trước đó, ở kỳ tuyển sinh năm ngoái, đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm chỉ tiêu ở một số phương thức truyền thống cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi.

Những năm qua, việc thường xuyên đưa ra những ‘điểm mới’ hay thay đổi phương thức tuyển sinh trước mỗi mùa thi luôn khiến dư luận băn khoăn.

Vậy nên chăng, cần hướng tới xây dựng một phương án tuyển sinh ổn định để học sinh có thể tập trung vào ôn luyện kiến thức chứ không phải bận tâm suy nghĩ, liệu quy chế năm sau sẽ giống hay khác với năm nay.