Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cao tốc phân kỳ đầu tư

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc, đang xây dựng 1.802km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805km, đang nghiên cứu đầu tư khoảng 729km.

Dự kiến trong tương lai, những đoạn đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe và đường cao tốc quy mô 4 làn xe hạn chế sẽ được nâng cấp hoàn chỉnh, tuy nhiên thời gian có thể kéo dài do phụ thuộc vào nguồn vốn, kinh phí đầu tư. Bởi vậy, bài toán tối ưu khả năng vận hành an toàn của đường cao tốc trong điều kiện phân kỳ đầu tư là giải pháp bắt buộc trong giai đoạn trước mắt.

Vậy, quy định tổ chức giao thông cho cao tốc phân kỳ thế nào để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn? Đây cũng là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm trong hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do VOV Giao thông tổ chức vừa qua. PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM về nội dung này.

PV: Nhìn từ thực tế công tác đầu tư cao tốc, nhất là những dự án phân kỳ đầu tư, ông thấy đang tồn tại những bất cập gì? 

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Với mục tiêu đến năm 2030, chúng ta có khoảng 5.000 km cao tốc thì đây là một thách thức rất lớn. Để phân bổ nguồn lực, chúng ta cần phải có phân kỳ đầu tư cho các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, để phân kỳ thì xảy ra khá nhiều bất cập.

Đường cao tốc nhiều nơi rất hẹp. Điển hình có 5 tuyến chỉ có 2 làn xe, bao gồm tuyến Cam Lộ - La Sơn, La Sơn -Tuý Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hoà Lạc - Hoà Bình. Những tuyến khác thì lại có 4 làn hạn chế, điều đó gây khó khăn, bất cập trong việc lưu thông.

Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến chưa có dải phân cách cứng, làn dừng khẩn cấp có nhưng chưa đầy đủ và chưa có hệ thống camera giám sát trên tuyến, các cảm biến dọc tuyến để cảnh báo cho các tài xế. Như chúng ta thấy, trong thời gian vừa rồi, rất nhiều xe bị nổ lốp do nhiệt độ mặt đường quá cao, nếu có cảm biến thì các tài xế sẽ được cảnh báo để an toàn cho tài xế hơn. 

Ảnh nh họa

PV: Những bất cập đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông trên cao tốc thế nào, thưa ông? 

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Đối với những tuyến đường hẹp, các xe chạy ngược chiều có thể va chạm, hoặc các đoạn đường đèo, đường cong, dốc cũng dễ gây va chạm. Hoặc đối với những tuyến chưa hoàn chỉnh hoặc tuyến nhỏ với tốc độ khai thác 80-90km/h hoặc một số tuyến chỉ có 60km/h thôi, như vậy các xe nối đuôi nhau với tốc độ 60km/h trong quãng đường dài sẽ gây ức chế cho các tài xế.

Đến những đoạn đủ điều kiện để vượt lên hoặc tách làn, các tài xế bắt đầu tăng tốc, nếu không có kiểm soát rất dễ dẫn đến tai nạn.

Bên cạnh đó, khi không có các trạm dừng nghỉ, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của tài xế và không có chỗ tiếp nhiên liệu. 

PV: Theo ông, cần có phương án tổ chức giao thông đối với các dự án phân kỳ đầu tư hiện hữu như thế nào? Và có nên có những quy định cứng để tổ chức giao thông với những dự án phân kỳ? 

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều hướng để cải tiến, khắc phục và đảm bảo an toàn khi tham gia lưu thông.

Giải pháp đó là nâng cấp, mở rộng các tuyến phân kỳ hiện tại. Theo tôi, nếu có những quy định cứng thì sẽ bất cập đến việc cải tạo, nâng cấp. Thứ hai nữa là khi xây dựng 5.000 km cao tốc từ Bắc chí Nam sẽ có chuẩn chung cho đường cao tốc Việt Nam.

Trong quá trình quản lý, tổ chức vận hành, khai thác, nên có có tầm nhìn vĩ mô. Hiện nay, ở góc độ nào đó vẫn đang giao cho các nhà đầu tư nên việc quản lý chưa đồng bộ ở những đoạn tuyến khác nhau, đặc biệt là trên các tuyến phân kỳ.

Bởi vậy, tôi đề xuất nên có hệ thống giao thông thông nh, đây cũng là xu thế của thế giới để tích hợp công nghệ mới và ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để đưa ra những mô phỏng thực tế, bên cạnh đó, thu thập dữ liệu từ người tham gia lưu thông đưa về các trung tâm vận hành để từ đó có những dự báo, cảnh báo cho những người tham gia giao thông.

Từ đó, người lưu thông sẽ có những quyết định và điều hướng. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!