Đẩy mạnh xe điện, nhưng đừng chạy theo thành tích khi hạ tầng và năng lượng cung ứng chưa đủ

Tham vọng của bang California, Mỹ trong việc đưa xe điện trở thành phương tiện di chuyển chính bằng việc cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035 được giới chuyên gia nhận định khó có thể hoàn thành, bởi hiện bang này vẫn còn thiếu một yếu tố vô cùng qua

California đặt tham vọng lớn trong việc đưa xe điện thành phương tiện chính

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ bang California mất điện trên diện rộng; do đợt nắng nóng kỷ lục dẫn tới mức tiêu thụ điện tăng đột biến. Điều này đã gây nên những tranh cãi liên quan tới mục tiêu cấm bán xe động cơ đốt trong để kích thích việc sử dụng xe điện vào năm 2035 của bang California.

Bởi lẽ, theo mục tiêu này, sẽ có hàng triệu ô tô điện hoạt động trong vòng 15 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong mọi thời điểm, bất kể là ngày hay đêm. Và thực tế hiện nay bang California vẫn đang phải nhập khẩu điện, tức là hạ tầng lưới điện phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân vẫn còn chưa đủ, chứ chưa tính đến hàng triệu chiếc xe điện trong tương lai.

Ông Isaac Maze-Rothstein, chuyên gia của tập đoàn năng lượng Wood Mackenzie cho biết: “Nếu 2 triệu chiếc xe điện sạc năng lượng cùng lúc, lượng tiêu thụ điện sẽ nhiều gấp 3 lần khả năng chịu tải của lưới điện bang hiện tại”.

Tờ Thời báo phố Wall dẫn tính toán của các chuyên gia cho biết, nhu cầu về điện tại California có thể tăng ít nhất 25% khi lệnh cấm năm 2035 có hiệu lực. Đó là con số dựa trên việc chỉ cấm bán xe động cơ đốt trong mới, tức là các xe cũ vẫn được phép hoạt động. Nếu muốn hoàn thành tham vọng của mình, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom cùng bộ máy của mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình cải thiện hạ tầng.

Một số phương pháp đã được cân nhắc, trong đó có việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, 2 dạng năng lượng tái tạo phổ biến hiện này là điện gió và điện mặt trời hiện chưa thể góp phần nhiều vào mạng lưới điện toàn bang, chưa kể việc điện mặt trời hoàn toàn vô tác dụng vào buổi tối.

Phương án thứ hai, đó là sử dụng chính những chiếc xe điện để cung cấp năng lượng ngược trở lại cho nhu cầu sinh hoạt nhằm tiết kiệm điện. Một số tập đoàn ô tô lớn như Nissan, Audi đang phát triển công nghệ được gọi là sạc hai chiều. Theo đó, những chiếc ô tô điện sau khi được sạc năng lượng có thể cung cấp lượng điện trở lại cho các tòa nhà. 

Ông Peter Asmus, Giám đốc nghiên cứu từ Công ty Guidehouse Insight chuyên về tư vấn mảng thị trường năng lượng toàn cầu chia sẻ: “Trong thời gian tới, những xe điện và pin của chúng có thể được dùng để cung cấp điện cho chính những ngôi nhà của chúng ta. Những sản phẩm như thế đang dần xuất hiện trên thị trường và sẽ ngày càng hoàn thiện hơn theo thời gian”.

Hạ tầng phục vụ xe điện là thứ mà không chỉ California, mà nhiều quốc gia khác như Anh, Singapore v.v... vẫn còn thiếu

Dù cho thấy những triển vọng nhất định, nhưng công nghệ sạc hai chiều vẫn còn trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, khó có thể đưa vào sử dụng đại trà trong thời gian vài năm tới. 

Đã có một số ý kiến cho rằng nên khuyến khích người dùng sạc phương tiện trong giờ thấp điểm để tránh quá tải lưới điện. Thời điểm phù hợp nhất được cho là vào buổi trưa. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ tạo ra một giờ cao điểm khác, với khả năng gây ra nhiều hơn tình trạng mất điện.

Hiện tại, ý tưởng khả thi nhất để đối phó với tình hình này, đó là điều chỉnh lưới điện ở mức cao hơn như nâng cấp thiết bị truyền tải, khả năng phân phối để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày một cao ở các gia đình; nhất là trong thời điểm hiện tại, hầu hết xe điện đều được sạc ở nhà do số lượng trạm sạc vẫn còn hạn chế. 

Có thể thấy, việc điều chỉnh lỗ hổng về lưới điện của bang California đòi hỏi rất nhiều công sức và cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Dù hiện xe điện chỉ chiếm 1 phần 10 nhu cầu của bang. Nhưng lưới điện, hay nói rộng hơn là hạ tầng phục vụ cho xe điện sẽ cần nâng cấp và hoàn thiện trong những năm tới nếu chính quyền bang California muốn mục tiêu đề ra được hoàn thành đúng hạn.

Còn tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ có xe đạp và xe máy điện là các phương tiện giao thông chạy bằng điện phổ biến. Ô tô điện vẫn là điều khá mới mẻ. Hiện có Vingroup công bố bắt đầu sản xuất ô tô điện mang thương hiệu Việt. Ngoài ra cũng có một số tập đoàn nước ngoài như Mitsubishi Motor có kế hoạch đầu tư nhà máy ô tô tại Long An, trong đó có lắp ráp, sản xuất ô tô điện. 

Nếu muốn phát triển ô tô điện Việt Nam, cần phải lưu ý hạ tầng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. Như mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư các dự án điện tại Lào để bán hàng tỉ kWh điện về Việt Nam. Do đó, việc đầu tư cho mục tiêu xe điện cần được nghiên cứu kỹ càng để tránh việc đầu tư, xây dựng xong lại không thể sử dụng.