Đẩy mạnh, nâng cao các giải pháp đảm bảo ATGT cho trẻ em

VOVGT- Theo báo cáo của UBATGTQG, năm 2017, TNGT liên quan đến trẻ em đã có xu hướng gia tăng...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Năm 2017, tại Hà Nội và TP. HCM số vụ, số trẻ em thiệt mạng do TNGT gia tăng đáng kể. (Ảnh: ATGT)

Theo báo cáo của UBATGTQG, tại Hà Nội, TNGT liên quan đến trẻ em trong các năm 2015, 2016 và 2017 đã gia tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo đánh giá của UBATGTQG, học sinh cấp III là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT trong 3 năm gần đây.

Tỷ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100 nghìn học sinh, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á, cao hơn Campuchia 1,25 lần, Nhật Bản 2,73 lần và cao gấp 1,84 lần của Hàn Quốc.

Còn tại TP. HCM, theo kết quả nghiên cứu “Các giải pháp nâng cao ATGT cho trẻ em TP. HCM” do UBATGTQG phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy thực hiện cho thấy, số trẻ em tử vong do TNGT cũng tăng nhanh từ 35 em năm 2013 lên 61 em vào năm 2014 và 111 em vào năm 2015.

Có trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi các em học sinh cấp III cầm lái điều khiển phương tiện, Theo nghiên cứu này, mức độ rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP. HCM cao gấp 3-4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố.

>>>Đề xuất điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe gắn máy với học sinh theo hướng nào hợp lý

Thừa nhận thực tế này, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, dù năm 2017, TNGT liên quan đến trẻ em gia tăng đáng kể. Cụ thể, trong số 583 người chết vì TNGT trong năm 2017 trên địa bàn Hà Nội, có 23 trẻ em dưới 18 tuổi. Trong khi con số này của năm 2016 chỉ là 14 vụ TNGT với 14 trẻ em dưới 18 tuổi tử vong.

Trong số 583 người chết vì TNGT trong năm 2017 trên địa bàn Hà Nội, có 23 trẻ em dưới 18 tuổi. (Ảnh: VOV)

Phân tích nguyên nhân các vụ TNGT liên quan đến trẻ em, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nhiều giao đình nuông chiều, giao cho các em phương tiện khi các em không đủ điều kiện điều khiển, chẳng hạn mô tô. Hoặc không trang bị cho các em kiến thức cơ bản nhất khi tham gia giao thông như không được chở quá số người quy định, không chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, không vượt tín hiệu đèn giao thông...

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Sở dĩ khi các em một phần do tâm lý lứa tuổi, còn hiện tượng dàn hàng ngang 3,hàng 4, điều khiển xe đi trên đường mải vui đùa, nói chuyện mà ít quan sát các phương tiện khác. Bản thân các em không được đào tạo một cách cơ bản bởi từ 18 tuổi trở lên mới được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đó có kỹ năng điều khiển phương tiện và học Luật Giao thông một cách đầy đủ."

 

Tại buổi tổng kết công tác đảm bảo ATGT năm 2017 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBATGTQG cũng cho rằng, trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em có nguyên nhân chính là TNGT, nhất là giao thông đường bộ. Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo ATGT, trong đó chủ đề năm 2018 được chọn là “ATGT cho trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.

>>>10 năm thực hiện đội MBH: Còn nhiều trường hợp đội mũ chỉ để đối phó

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Năm nay chủ đề là năm ATGT cho trẻ em nên cần tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5-10% ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em là 10% so với năm 2017. Chỉ tiêu đặt ra là như thế."

 

Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT liên quan đến trẻ em, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông với trọng tâm bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em, trong đó người lớn phải nêu gương về văn hóa giao thông, chấp hành luật lệ giao thông phù hợp với chủ đề ATGT năm 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em”.