Cứu hộ giao thông, cần đội ngũ chuyên nghiệp

VOVGT- Công tác cứu hộ giao thông còn được tổ chức tương đối nhỏ lẻ, khó có khả năng giải tỏa những phương tiện có kích thước, tải trọng lớn...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đều có dịch vụ cứu hộ, nhưng chủ yếu mang tính tự phát (Ảnh: Tạp chí Giao thông vận tải)

Đề cập công tác cứu hộ giao thông trên hệ thống cao tốc, ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam, thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông trên hệ thống đường cao tốc thì phải xử lý, di chuyển phương tiện, giải tỏa hiện trường để đảm bảo không gây ùn tắc, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Để thực hiện điều này, đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc thường phải ký hợp đồng hợp tác với các đơn vị cứu hộ tại địa phương. Theo đó, các đơn vị cứu hộ phải đến địa điểm xảy ra sự cố trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, các đơn vị cứu hộ phải có trang thiết bị để đảm bảo di chuyển được cả xe cỡ nhỏ, cỡ lớn. Họ phải ứng trực để đảm bảo sẵn sàng thực hiện giải tỏa hiện trường tai nạn, sự cố.

Ông Tuấn nói: “Chúng tôi khi ký hợp tác cũng thỏa thuận giá cứu hộ, xe lớn, xe nhỏ, đảm bảo lợi ích của người tham gia giao thông trên đường để tránh bị chặt chém. Chúng tôi đã xác dịnh giá phù hợp, có lợi cho cứu hộ và có lợi cho chủ phương tiện. Từ trước đến nay, phần lớn các trường hợp như thế đều được VEC tổ chức tương đối tốt.

 

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, mặc dù trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đều có dịch vụ cứu hộ, nhưng chủ yếu mang tính tự phát, thiếu phương tiện cứu hộ những phương tiện có khối lượng và tải trọng lớn và họ không phải chịu trách nhiệm đến cùng trong việc giải quyết sự cố như với hệ thống cao tốc. Vì vậy, với những trường hợp sự cố, tai nạn liên quan đến phương tiện có tải trọng lớn, việc cứu hộ, giải tỏa hiện trường sẽ gặp khó khăn.

>>>Xe khách trá hình vào nội đô, tuyến vận tải cố định có nguy cơ bị phá vỡ

Ông Tuấn nói: “Đối với cao tốc thì quy định phải đảm bảo việc có phương tiện đủ lớn để kéo phương tiện lớn, trong trường hợp xảy ra sự cố. Ở đây người ta không phải chịu trách nhiệm về việc đó nên có thì người ta đưa lên kéo cho anh, còn không có thì người ta phải chờ.”

 

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, việc cứu hộ những phương tiện cỡ lớn hiện còn yếu bởi thiếu thiết bị chuyên dùng. Mỗi khi có TNGT, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, phương tiện bị hư nặng chủ xe mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức mới tìm được xe cứu hộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực xảy ra tai nạn.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, những phương tiện lớn đòi hỏi phải có thiết bị chuyên dùng (Ảnh: Zing.vn)

Theo ông Thanh, việc ra đời các cơ sở, doanh nghiệp cứu hộ giao thông chuyên nghiệp, có đầy đủ trang thiết bị chuyên ngành là rất cần thiết để và giảm thiểu thiệt hại cho các chủ phương tiện; đồng thời giải tỏa ách tắc giao thông: “Hiện nay chưa có hẳn đội ngũ chuyên nghiệp, có khả năng cứu hộ về đội xe lớn. Nhà nước nên tạo điều kiện khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hình thành đội quân chuyên nghiệp.”

 

Ông Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, việc hình thành đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp là cần thiết và cấp bách. Bởi hiện nay, với đội ngũ cứu hộ nhỏ lẻ, phân tán, thiếu trang thiết bị cần thiết, khó đảm bảo yêu cầu giải tỏa hiện trường một cách nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cứu hộ cũng phải tận dụng những trang thiết bị của đơn vị chuyên môn khác để hỗ trợ, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc cứu hộ.

Ông Tạo cho biết thêm: “Bản thân họ cũng phải dùng trang thiết bị dùng cho hệ thống thi công, máy xây dựng. Cho nên trong điều kiện khó khăn bây giờ thì dùng như thế, nhưng để bài bản vẫn cần một hệ thống cứu hộ, cứu nạn một cách bài bản hơn và trên hệ thống cứu hộ, cứu nạn phải có đầy đủ trang thiết bị để kết hợp cả công tác cứu hộ, cứu nạn gắn liền với công tác cấp cứu y tế luôn.”

 

Đại diện lãnh đạo UBATGT Quốc gia cũng cho rằng, các hoạt động này đều có thể do tư nhân thực hiện và phải đảm bảo những tiêu chuẩn do cơ quan quản lý đặt ra. Như vậy sẽ huy động được tiềm năng về con người, vật chất của hệ thống tư nhân tham gia vào hoạt động của xã hội.

>>>Tăng cường xử lý vi phạm dừng đỗ gây ùn tắc giao thông dịp cuối năm