Cứng hay mềm, vẫn chỉ là tấm thẻ

Mặc dù cơ quan quản lý lý giải việc đổi giấy phép lái xe từ bìa cứng sang thẻ nhựa PET nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý, cũng như thực hiện việc số hóa dữ liệu sau này, song mục tiêu hướng đến vẫn là việc số hóa dữ liệu và quản lý bằng công nghệ.

Bởi vậy, thay vì yêu cầu người dân đổi hàng loạt, có thể tính đến việc số hóa những dữ liệu giấy phép lái xe, phục vụ hiệu quả hơn trong công tác quản lý.

Việc đổi một tấm bằng lái xe từ thẻ giấy sang thẻ nhựa không chỉ là thay đổi một thứ vật liệu, mà như giải thích của cơ quan đề xuất, đó là quá trình cập nhật, tích hợp dữ liệu để phục vụ công tác quản lý công dân, theo đề án của Chính phủ.

Nếu đổi bằng lái mô tô, xe máy sang thẻ nhựa là việc nhất thiết phải làm, thì không nên bàn về sự tốn kém. Bởi khi đề xuất việc này, cơ quan chủ trì hẳn đã phải tính đến chi phí hàng nghìn tỉ đồng trực tiếp để cấp đổi hơn 20 triệu giấy phép lái xe (GPLX), chưa kể chi phí cho bộ máy, chi phí thời gian và đi lại của hơn 20 triệu con người.

Nếu việc đổi bằng lái mô tô xe máy từ giấy sang nhựa được khẳng định là sẽ có lộ trình, người dân và cơ quan nhà nước sẽ có đủ thời gian, không gây xáo trộn, thì lại càng không cần sốt sắng.

Nhưng có gì đó trong câu chuyện này vẫn khiến người ta băn khoăn.

Cái băn khoăn đến từ việc, những giải thích từ cơ quan chức năng có phần chưa sát với tâm lý xã hội. Trước một chủ trương mới, người chịu tác động thường mong muốn đi trước đón đầu, để không bị động khi “nước đến chân”.  Nhất là, với một đề xuất mà đơn vị nêu ra khẳng định đinh ninh là cần thiết.

Như một phản ứng tự nhiên, người dân ùn ùn đi đổi bằng lái từ giấy sang nhựa, gây quá tải bộ phận một cửa ở Hà Nội, TPHCM và một số nơi khác. Nó giống hệt với cơn sốt đổ xô đi làm CCCD gắn chip những ngày đầu. Tác động này dường như chưa được tính đủ, khi đề xuất được nêu ra.

Băn khoăn còn đến từ cách làm trong quá trình số hóa dữ liệu công dân. Đồng ý rằng tấm bằng cũ với một số trường thông tin chưa đầy đủ, hoặc đã lạc hậu so với CCCD gắn chip, gây bất cập cho quản lý. Nhưng có nhất thiết phải đổi bằng để tích hợp dữ liệu không, khi đến nay, hơn 80 triệu người đã có thẻ CCCD gắn chip, và hàng chục triệu tài khoản định danh điện tử mức 2?

Mục tiêu của việc định danh điện tử mức 2 trên VNeID là để người dân tự cập nhật, khai báo, chỉnh sửa thông tin của mình, sau đó cơ quan chức năng chỉ việc đối chiếu, xác thực và tích hợp lên hệ thống.

Nếu làm tốt việc này, hơn 20 triệu người đang sử dụng GPLX cũ hoàn toàn có thể tự cập nhật thông tin về bằng lái của mình, mà không cần 5 loại giấy tờ, ít nhất 2 chuyến đi lại cửa dịch vụ công, cùng tiền và công đi làm giấy khám sức khỏe, tiền phí cấp đổi bằng.

Thực tế là quá trình tích hợp và tự tích hợp dữ liệu hiện nay còn nhiều vướng mắc. Hơn 2 năm sử dụng tấm thẻ CCCD và cài đặt ứng dụng VNeID, người dân vẫn phải mang theo đủ các loại giấy tờ. Vướng ở quá trình đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu, vướng ở công nghệ hay ở bản thân dữ liệu, thì cần khắc phục từ đó. Và trong bước đi cũng cần phân nhóm ưu tiên, có thể làm trước với xe kinh doanh vận tải rồi đến xe cá nhân, làm trước ô tô rồi mới đến mô tô, xe máy.

Số hóa dữ liệu cần khẩn trương, nhưng không thể vội vàng. Mọi sự nôn nóng hoặc khẩn trương mà chưa tính kỹ, có thể gây lãng phí xã hội và tạo ra thắc mắc, hoài nghi. Thẻ CCCD gắn chip từng mang theo rất nhiều kỳ vọng như “chìa khóa” mở ra cả thế giới số. Nó được triển khai cấp tập, rốt ráo như một đợt tổng động viên. Nhưng sau vài năm, với dự luật mới, người dân đã bắt đầu phải hình dung về một tấm thẻ khác.

Vì thế, dù mục tiêu cập nhật, đồng bộ dữ liệu của hơn 20 triệu GPLX cấp trước 1/7/2012 là cần thiết, nhưng nên nghiên cứu kỹ tất cả các lựa chọn để đạt được mục tiêu này. Nhựa hay giấy, cứng hay mềm, vẫn chỉ là một tấm thẻ, chừng nào người dân còn phải mang theo bằng lái cùng đủ thứ giấy tờ ra đường, còn lo bị mất bị hỏng, thì chuyển đổi số vẫn chỉ nửa vời. Dù điều kiện chưa thể hiện đại ngay, nhưng ít nhất, bước đi và cách đi phải thể hiện nhất quán với tầm nhìn, rằng đang thực sự hướng về cái hiện đại./.