Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cần tăng cường quả, lý đảm bảo ATGT thủy nội địa

Kim Loan: Thứ năm 15/08/2024, 15:13 (GMT+7)

Những bất cập trong công tác quản lý, sự tồn tại các bến thủy không đủ điều kiện vận chuyển hành khách, tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan, khó lường;… đã khiến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thuỷ tại ĐBSCL trở thành tâm điểm trong những ngày qua…

Trên chuyến phà An Bình vượt sông Cổ Chiên, từ TP. Vĩnh Long qua huyện Long Hồ và ngược lại, mỗi ngày vận chuyển hơn 2 ngàn người. Thế nhưng, phà lúc nào cũng chật chội, hành khách dồn lấn đứng cheo leo ở cả mỏ phà.

Ông Nguyễn Tấn Phương – hành khách đi phà An Bình bày tỏ sự lo lắng khi mỗi ngày phải chứng kiến cảnh này: “Có khách bộ hành và phương tiện còn ở mỏ bàn phà khi phà lưu thông thì vấn đề này là chưa đảm bảo an toàn giao thông. Bởi lưu thông thủy thì hành khách và phương tiện khi xuống phà sẽ được bảo vệ đóng cổng chỗ mỏ bàn phà lại để đảm bảo không còn người và phương tiện ở mỏ bàn phà mới đảm bảo đủ điều kiện vượt sông”.

Còn với tài công Lê Văn Hiền mỗi ngày chạy tàu trên sông Cần Thơ là mỗi ngày nơm nớp lo sợ. Gần 2 năm trở lại đây, trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện phong trào chèo ván SUP quanh các con rạch ra đến sông Hậu và sông Cần Thơ với các dịch vụ kèm theo được quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, hoạt động này thường trực nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy.

Ông Hiền cho rằng, nếu xảy ra tình huống bất trắc, người chơi sẽ không được cứu hộ kịp thời. Dẫu loại hình dịch vụ này được trang bị đầy đủ áo phao nhưng chưa chắc đã an toàn: “Chạy trên sông gặp mấy chiếc Sup là tự biết mình phải chạy cách xa nó tầm 10m, nếu chạy gần sợ sóng tàu đánh vô là chiếc Sup lật úp liền.

Hành khách bắt buộc mặc áo phao khi qua phà để đảm bảo an toàn.

Hành khách bắt buộc mặc áo phao khi qua phà để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, các bến đò “3 không”: không được phép hoạt động, không thiết bị bảo hộ, bến bãi không đảm bảo an toàn... vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại. Bến khách rất “đơn sơ” chỉ một chiếc chẹt và một cái máy để vận hành. Vào mùa mưa, nghề đóng hàng đáy khu vực sông Vàm Xáng – Hộ Phòng bắt đầu sôi động.

Đây là chướng ngại vật nguy hiểm cho phương tiện thủy mà ngành chức năng khó xóa tận gốc bởi văn hóa và phong tục trước nay của người dân Nam Bộ. Các hàng đáy được đặt liên tiếp nhau dài 2 bên bờ sông, làm thu hẹp luồng lưu thông.

Theo Thượng tá Châu Thành Công - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bạc Liêu, tuyến sông Vàm Xáng – Hộ Phòng chỉ dài 18km nhưng đang tồn tại 16 hàng đáy cố định. Còn hàng đáy di động thì khó có thể thống kê cụ thể: Chúng tôi cho ký cam kết hết, lập danh sách, vận động bà con chấp hành Luật giao thông đường thủy. Nếu không là chúng tôi giải tỏa”.

Rõ ràng, các bất cập điển hình trên cho thấy Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu là 3 địa phương điển hình đang đối mặt với nhiều áp lực khi vào mùa mưa bão. Tai nạn giao thông đường thủy tuy ít hơn đường bộ, nhưng thiệt hại tài sản, tính mạng vô cùng lớn và nặng nề. Mùa lũ về, nước chảy xiết tạo thành xoáy nước, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn, nhất là tại các bến phà, đò chở khách ngang sông. Vì vậy, các tỉnh thành đều đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp để ứng phó.

Thượng tá Đỗ Văn Thương - Phó Trưởng Phòng CSGT Công an TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho các chủ bến cảng, thủy nội địa vận chuyển hành khách và các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động trên đường thủy nội địa phải chấp hành nghiêm các quy định: Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm chở quá số người quy định, đình chỉ bến nội địa hoạt động không phép”.

Cao điểm kiểm tra bến thủy nội địa, lực lượng chức năng nhắc nhở chủ tàu tuân thủ an toàn giao thông đường thủy.

Cao điểm kiểm tra bến thủy nội địa, lực lượng chức năng nhắc nhở chủ tàu tuân thủ an toàn giao thông đường thủy.

Tại Vĩnh Long - địa phương có 150 bến thủy nội địa, ngành chức năng cũng ra quân từ tháng 7/2024. Vĩnh Long tập trung mũi kiểm tra thuyền viên làm việc trên phương tiện vận tải, phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát sỏi. Đồng thời, xử lý các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm; không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh; người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp…

Ông Trương Quốc Phương – Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho biết sẽ kiên quyết đóng cửa các bến khách không đảm bảo an toàn khi đưa khách sang sông: “Chúng tôi kiên quyết cho thuyền trưởng ký cam kết vận chuyển an toàn. Không được hoạt động trong điều kiện thời tiết không an toàn và phải tuân thủ đúng các điều kiện về hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa”.

Với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết như hiện nay, lực lượng chức năng của tỉnh/ thành và từng người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm; không chủ quan, luôn sẵn sàng ứng phó, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT đường thủy. Có như vậy, những chuyến hành trình trên sông nước mới được bình yên.

***

Những bất cập tồn tại như đã phân tích đã dẫn đến những vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng thời gian qua, mà điển hình gần đây là vụ tai nạn trên sông Vàm Nao khi một tàu hàng đâm vào phà chở khách và trước đó là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa tàu du lịch và phà chở khách trên sông Tiền.

Những vụ tai nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tai nạn thường trực trên các tuyến giao thông thủy nội địa hiện nay.  Tăng cường quản lý để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm hiện nay.

Tham gia lướt ván SUP chưa đủ điều kiện an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ trong mùa mưa bão.

Tham gia lướt ván SUP chưa đủ điều kiện an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ trong mùa mưa bão.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch dày đặc, không chỉ là huyết mạch của vận tải hàng hóa mà còn là phương tiện di chuyển chủ yếu của hàng chục triệu cư dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng là sự gia tăng của các rủi ro: các bến phà không phép, tình trạng chở quá tải, và sự lơ là trong trang bị an toàn… là những yếu tố đã và đang biến mỗi hành trình trên sông nước thành một cuộc đánh cược với số phận.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành giao thông đường thủy vẫn là một trong những tâm điểm hàng đầu của những cuộc thảo luận chính sách. Sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý, cộng thêm việc các quy định pháp lý hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe, đã dẫn đến một hệ thống vận tải thủy nội địa tồn tại các lỗ hổng. Trong khi đó, các mùa mưa lũ đang đến gần, dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về miền Tây không chỉ cuốn đi phù sa mà còn mang theo những hiểm họa khôn lường cho các phương tiện thủy.

Sự cấp thiết của việc siết chặt quản lý giao thông đường thủy không thể chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu. Bộ Giao thông Vận tải đã nhận thấy rõ điều này khi yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam triển khai cuộc tổng kiểm tra toàn diện từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay.

Đây không chỉ là một bước đi cần thiết mà còn là lời khẳng định về sự quyết liệt trong việc cải thiện tình hình giao thông đường thủy. Cuộc kiểm tra không chỉ nhắm đến việc xử lý vi phạm mà còn phải đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động vận tải, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu.

Công tác quản lý giao thông đường thủy không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là bài toán của cả xã hội. Chúng ta không thể tiếp tục để những tai nạn thương tâm lặp lại, chỉ vì sự chủ quan hay thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.

Đã đến lúc, mọi hành động phải được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, từ việc rà soát, kiểm tra đến việc điều chỉnh các quy định pháp lý để bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân. Chúng ta cần một hệ thống quản lý mạnh mẽ, đồng bộ và có tính răn đe cao. Chỉ khi các bên liên quan cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng mỗi chuyến phà, mỗi hành trình trên sông nước đều là một cuộc hành trình an toàn và trọn vẹn. 

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Mạnh hay yếu đều thua

Mạnh hay yếu đều thua

Vừa qua, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý những vụ ẩu đả trên đường do va chạm giao thông, dư luận xã hội cũng lên tiếng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần những giải pháp cụ thể để răn đe và cảnh tỉnh; ngăn ngừa từ sớm các vụ việc đau lòng.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: Không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: Không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng

Công tác giải ngân tại các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đang cơ bản bám sát mục tiêu, phấn đấu đến cuối tháng 1 này sẽ giải ngân được từ 95-100% tổng số vốn được giao?

Cứu nạn kịp thời 18 thuyền viên Việt Nam gặp tai nạn nguy hiểm trên vùng biển quốc tế

Cứu nạn kịp thời 18 thuyền viên Việt Nam gặp tai nạn nguy hiểm trên vùng biển quốc tế

Vào rạng sáng ngày 11/01/2025, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT đã nhận được tín hiệu báo nạn khẩn cấp từ tàu M/V Dolphin 18 mang quốc tịch Việt Nam.

Khơi thông điểm nghẽn thi công Vành đai 3 qua Đồng Nai

Khơi thông điểm nghẽn thi công Vành đai 3 qua Đồng Nai

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 km, điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, điểm cuối giáp cầu Nhơn Trạch.

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản cháo se Hạ Mỗ

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản cháo se Hạ Mỗ

Đã từ nhiều đời nay, dân làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn coi cháo se là món ăn của tình thân bởi ở đây, cứ vào dịp hội hè, đám cưới hay dịp vui của gia đình, mọi người lại quây quần bên nồi cháo se chuyện trò rôm rả.

TP.HCM: Hơn 7.200 người tham gia diễn tập xử lý cháy, nổ quy mô lớn

TP.HCM: Hơn 7.200 người tham gia diễn tập xử lý cháy, nổ quy mô lớn

Hơn 7.200 người, từ 23 đơn vị tham gia diễn tập, cùng gần 130 phương tiện cơ giới các loại phục vụ công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn.

Nghề xưa chưa cũ

Nghề xưa chưa cũ

Tết Nguyên đán là dịp lễ cổ truyền lớn và quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Năm mới cũng có nghĩa là sức sống mới, hy vọng mới, vận hội mới đang đến. Ai cũng cầu mong những điều tốt lành mới sẽ đến với mình.