CSGT mặc thường phục phối hợp xử lý vi phạm: Cần lưu ý gì?

Theo Thông tư 32/2023 do Bộ Công an ban hành, có hiệu lực từ 15/9 tới đây, Cảnh sát giao thông được quyền hóa trang, dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát để phát hiện người vi phạm rồi báo cho lực lượng công khai xử lý.

Tuy nhiên ngay từ khi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư này, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn bởi lo ngại có trường hợp lạm dụng hoặc giả danh; băn khoăn về sự cần thiết của biện pháp này trong thực tiễn.

Vậy, những vấn đề này cần được xem xét ra sao? Cần lưu ý gì khi CSGT mặc thường phục được phối hợp xử lý vi phạm? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp về nội dung này.

 

Ảnh nh họa: Dân Việt

PV: Thưa ông, những băn khoăn về quy định CSGT mặc thường phục được phối hợp xử lý vi phạm cần được xem xét ra sao?

Ông Lê Hồng Sơn: Bộ Công an ban hành Thông tư và quy định sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thực thi công vụ trên đường thuộc thẩm quyền Bộ Công an.

Ở đây khi nói rộng ra thì lực lượng công an khi làm nhiệm vụ trên đường, điều khiển giao thông bắt buộc phải mặc sắc phục CSGT thì mới được xử phạt theo quy định. Còn các biện pháp như hóa trang, mặc thường phục để phát hiện các hành vi vi phạm, tôi cho rằng có thể có những hệ lụy: như bị giả danh, bị lạm dụng, có thể tạo ra hình ảnh người CSGT làm nhiệm vụ mà trốn tìm như thế thì người dân không đồng tình và thiện cảm.

Thứ hai là vi phạm giao thông là công khai trên đường thì có cần dùng biện pháp đó không, cần tính lại xem biện pháp đó có thực sự cần thiết không.

PV: Thông tư về quy định này đã được ban hành, vậy cần lưu ý những vấn đề gì khi áp dụng?

Ông Lê Hồng Sơn: Thông tư này Bộ Công an đã ban hành rồi nên vấn đề là triển khai thực hiện. Thứ nhất là phải có những hướng dẫn rất chặt chẽ để ngay trong lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ không lạm dụng biện pháp này, để lực lượng này áp dụng một cách nh bạch, giữ được hình ảnh của người CSGT.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục cho người dân hiểu.

Vấn đề nữa là Thông tư đã ban hành rồi thì các cơ quan báo chí công luận cũng nên có diễn đàn vừa để tuyên truyền, phổ biến giáo dục nội dung này để tạo sự ủng hộ, đồng thuận; mặt khác ghi nhận phản ứng về sự phù hợp của quy định với xã hội.

Nếu người dân phản ứng nhiều quá có thể phải tính lại xem có cần thiết không để có những điều chỉnh phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Liên quan tới quy định về CSGT mặc thường phục để phát hiện người vi phạm, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định này sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành quy tắc giao thông mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ tại những vị trí có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đây là quy định mới nên cần thông tin rộng rãi để tổ chức thực hiện:

“Cần tuyên truyền, phổ biến quy định này và quán triệt tinh thần của quy định này để lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuân thủ, không lạm quyền vượt quá quy định mà Thông tư đã quy định; thứ 2 là tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định này, tránh những trường hợp cự cãi, chống người thi hành công vụ. Và người dân cũng nên chủ động tiếp cận với quy định mới để tuân thủ, chấp hành”, luật sư Cường cho biết.