Có nên cho xe máy phân khối lớn vào cao tốc?

VOVGT- Một số ý kiến cho rằng, nên xem xét thí điểm cho xe máy phân khối lớn hoạt động tại một đoạn tuyến cao tốc nhất định để từ đó đưa ra biện pháp quản lý.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đoàn xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Autopro

Nói về đề xuất cho xe mô tô (xe máy) phân khối lớn vào cao tốc, ông Trần Văn Toản, Tổng giám đốc Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe Đông Đô cho biết, xe mô tô vào cao tốc phải đáp ứng những tiêu chí như: trên 1.000 phân khối, đi theo đoàn và những đoàn này trực thuộc Liên đoàn mô tô, xe đạp Việt Nam và trước khi đi phải thông báo đến đơn vị quản lý tuyến cao tốc về mục đích chuyến đi, phạm vi phù hợp trên một số tuyến đường được xác định cụ thể.

Lý giải về việc phân loại xe trên 1.000 phân khối, ông Toản cho biết, người sở hữu những phương tiện này thường là có tuổi, có kỹ năng điều khiển mô tô phân khối lớn và có ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Theo ông Toản, nếu chỉ tính những xe mô tô trên 1.000 phân khối thì ở Hà Nội và Tp. HCM chỉ khoảng trên 1.000 chiếc.

Ngoài ra, việc lưu thông theo đoàn cũng dễ dàng phát hiện và xử lý vi phạm nếu một thành viên trong đoàn vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Ông Toản cũng thừa nhận, Luật Giao thông đường bộ chưa cho phép mô tô, xe máy lưu thông vào cao tốc, song cần thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá, tổng kết, nếu phù hợp có thể sửa luật.

Ông Trần Văn Toản nói: "Nếu không bắt tay vào thực hiện, không xem dư luận xã hội sau một thời gian đoàn xe đó vào cao tốc thì mãi mãi chúng ta không thể đưa ra kết luận chính xác được".

 

Tuy nhiên, Thiếu tá Đặng Đức Minh, Trung tâm ATGT, Học viện cảnh sát nhân dân lại không tán thành việc cho mô tô phân khối lớn lưu thông vào cao tốc. Theo ông Minh, hiện chưa có căn cứ để phân loại, đề xuất cho xe mô tô trên 1.000 phân khối được vào cao tốc, bởi quy định hiện hành xe phân khối lớn là trên 175 phân khối nên việc đưa ra mức 1000 phân khối để được phép lưu thông vào cao tốc là chưa phù hợp.

Theo ông Minh, mặc dù tại một số quốc gia cho phép mô tô phân khối lớn vào cao tốc, nhưng ở đó xe mô tô, xe gắn máy rất ít chứ không phổ biến như Việt Nam. Do vậy, nếu cho phép mô tô phân khối lớn vào cao tốc không chỉ khó quản lý, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.

Thiếu tá Đặng Đức Minh nói: "Cứ cho rằng anh đề xuất đi theo đoàn, rồi thu phí… Anh đi theo đoàn nhưng đôi khi chính việc đi theo đoàn rất dễ dẫn tới tâm lý bị kích động rồi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng trên đường. Thứ hai, nhìn vào ý thức của người tham gia giao thông, lái xe ô tô của chúng ta thôi, chuyển làn đột ngột, không quan sát, tốc độ cao, với 120km tối đa, khi chỉ xảy ra một sự cố thì tai nạn rất nặng nề. Nên tôi cho rằng việc đề xuất tại thời điểm này là không hợp lý".

 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cũng cho biết, từ năm 2015 đã có một số đề xuất xem xét cho phương tiện mô tô phân khối lớn lưu thông vào cao tốc. Vào thời điểm đó, theo thống kê sơ bộ của Bộ GTVT, cả nước có khoảng trên 30.000 phương tiện mô tô trên 175 phân khối. Do có số lượng lớn, nguy cơ mất an toàn giao thông cao nên tại thời điểm đó, Bộ Công an đã không đồng ý với những đề xuất này. Tuy nhiên, theo ông Thạch, cũng có thể cho phép thí điểm trên một đoạn tuyến nhất định để từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Ông Thạch cho biết thêm: "Ta cũng xem xét, nếu có thí điểm cũng phải chọn loại cỡ trên 250 phân khối, người điều khiển có bằng phù hợp điều khiển phương tiện đó, phải lưu thông theo đoàn thì vẫn đảm bảo mức độ an toàn".

 

Mặc dù không tán thành việc cho phép mô tô, xe máy lưu thông vào cao tốc, song ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm ATGT, Viện chiến lược phát triển GTVT, Bộ GTVT cũng cho rằng để có căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học, nếu chọn đoạn tuyến cao tốc nào đó để thí điểm cho mô tô phân khối lớn lưu thông để qua đó đúc rút ra bài học cũng là điều nên làm.

Ông Đạt cho biết thêm: "Đứng ở góc độ khoa học, mức nào phải có nghiên cứu, phải có lập luận khoa học. Nên việc đề ra 1.000 phân khối vào cao tốc thì chưa có cơ sở khoa học nào để xác định. Tuy nhiên, dưới góc độ của luật thì trên 175 phân khối, nên nếu thí điểm thì phải theo quy định của luật".