Có nên chi tiết hóa quy định về quyền xe ưu tiên?

VOVGT-Sau vụ TNGT đáng tiếc giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi xe ưu tiên lưu thông vào làn ưu tiên

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Phân tích vụ TNGT giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ xảy ra vừa qua, TS Đinh Thị Thanh Bình, Trường Đại học GTVT cho rằng, từ việc thiếu hệ thống cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông khác về sự xuất hiện xe ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc thì việc xảy ra tai nạn giao thông là điều bất khả kháng. Nguyên nhân của tình trạng này, đó là do Luật Giao thông đường bộ ra đời năm 2008, khi đó chưa có hệ thống cao tốc nên vấn đề này chưa được đặt ra một cách đúng mức.

TS Đinh Thị Thanh Bình phân tích: với hệ thống cao tốc, tốc độ cho phép lưu thông từ 80-120km/h thì quãng đường phanh phải rất lớn. Ngay cả phản ứng của lái xe khi nhìn thấy chướng ngại vật thì phải 1-2 giây sau lái xe mới kịp phản ứng đạp phanh và xe cũng trôi được một quãng đường khá lớn trước khi xe dừng hẳn. Hơn nữa, đây là trường hợp xe chạy ngược chiều nhau và lái xe trên cao tốc thường mất cảnh giác nên việc xuất hiện một phương tiện chạy ngược chiều một cách đột ngột, dù lái xe dù có đạp phanh thì tai nạn vẫn là trường hợp bất khả kháng.

>>>Clip toàn cảnh vụ tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa chiều 18/3

TS Đinh Thị Thanh Bình nói: Việc một xe ưu tiên xuất hiện trên cao tốc mà không có sự cảnh báo trước thì đó là điều vô lý và Luật Giao thông đường bộ phải xem xét lại trong trường hợp có xe ưu tiên với các loại đường khác nhau. Ngay cả công tác tổ chức giao thông, nếu trên hệ thống cao tốc có hệ thống cảnh báo bằng đèn tín hiệu hoặc cảnh báo phía trước có xe ưu tiên để họ tránh, giảm tốc độ thì mới giảm được nguy cơ xảy ra tai nạn.

 

Đồng tình quan điểm này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, về nguyên tắc, thay vì hạn chế quyền của xe ưu tiên thì nên giữ quyền ưu tiên ở mức cao nhất và đây cũng là xu hướng của tất cả các nước. Tuy vậy, để thực hiện quyền của xe ưu tiên thì chúng ta hoàn thiện các quy trình khai thác, vận hành hệ thống cao tốc và quy trình thực hiện quyền của xe ưu tiên một cách chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thực thi công vụ và cho người dân.

Xe khách và xe cứu hỏa hư hỏng nặng

Cụ thể, để tiếp cận hiện trường một vụ va chạm, một vụ TNGT thì không chỉ tiếp cận từ một hướng, thậm chí phải tiếp cận bằng nhiều phương thức vận tải khác nhau, bằng các hướng khác nhau và nhanh nhất. Quy trình giúp chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn dòng giao thông khu vực đó trước khi lực lượng chức năng tiếp cận một cách an toàn. TS Trần Hữu Minh phân tích:

 

Nếu chúng ta có cảnh báo để dần dần hạn chế tốc độ, đóng làn xe trước đó 20km thông báo đóng 1 làn, trước đó 10km đóng một làn nữa, sau đó có hướng dẫn chỉ dẫn về giao thông, sau đó phân làn, giảm tốc độ dòng giao thông từ 100 xuống 80, xuống 60, xuống 40 và cuối cùng xuống 30. Khi dòng giao thông chỉ đi với tốc độ 30km và được phân làn bằng các chóp giao thông, bằng đèn giao thông tạm thời thì chắc chắn lực lượng giao thông có thể tiếp cận ở mọi hướng.

Dẫn lại vụ TNGT giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa qua, TS Trần Hữu Minh cho rằng, từ vụ việc này đòi hỏi cơ quan chức năng phải rà soát lại các quy định hiện hành, từ quy trình hoạt động cho xe ưu tiên, quy trình lưu thông trên cao tốc vì vào năm 2008 chúng ta chưa có km cao tốc nào. Do vậy, nếu để cho xe ưu tiên đi ngược chiều mà không kiểm soát được dòng giao thông là khó tránh khỏi. Ông Minh cho biết thêm:

 

Khi có sự cố thì việc rất quan trọng là phải thông báo cho người tham gia giao thông biết để họ ứng xử và họ tuân thủ. Người tham gia giao thông cần được cảnh báo liên tục và thậm chí cưỡng chế để họ chấp hành an toàn về tốc độ, về làn phương tiện lưu thông. Nếu được như vậy thì nguy cơ sẽ được kiểm soát.

Để phòng tránh các vụ việc tương tự, TS Trần Hữu Minh cho rằng, cần sớm rà soát các quy định của pháp luật về khai thác cao tốc cũng như quyền của xe ưu tiên. Khi đã hoàn thiện các quy định của pháp luật thì phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc để nâng cao an toàn cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc vì đây là xu hướng tất yếu khi cao tốc ngày càng mở rộng và người dân mua sắm phương tiện ngày càng nhiều.

>>>Nhường đường cho xe ưu tiên: Dân còn thờ ơ