Cơ chế nào để đảm bảo thực hiện nhượng quyền thu phí?

Mới đây, trả lời trước Quốc hội về khó khăn trong thu hút vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ này sẽ đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí.

Khả năng thu hút vốn qua những hình thức này đến đâu? Cơ chế nào để đảm bảo thực hiện nhượng quyền thu phí hoặc đấu giá quyền thu phí một cách hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và Nhà nước?

PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia xung quanh nội dung này.

 

PV: Trước việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa và ngành giao thông khó khăn thì Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất việc nghiên cứu phương án nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí. Ông nghĩ như thế nào về khả năng thu hút vốn qua giải pháp này?

TS. Cấn Văn Lực: Đây cũng là một cách, một phương án. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần nhìn xa hơn và rộng hơn một chút, tức là hiện nay nhu cầu huy động nguồn lực, trong đó có tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng là rất lớn.

Ví dụ, hàng năm chúng ta đầu tư vào hạ tầng giao thông có thể lên đến 800 nghìn đến 1 triệu tỷ đồng. Rõ ràng là ta phải huy động từ nhiều nguồn lực và chúng tôi cũng đã nghiên cứu, phân tích thì thấy rằng chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế về câu chuyện huy động nguồn lực tài chính cho hạ tầng giao thông.

Ảnh nh họa: VGP

PV: Ông có thể nói rõ hơn kinh nghiệm quốc tế đó, họ sẽ chú trọng giải pháp gì?

TS. Cấn Văn Lực: Để huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông, thông thường nó sẽ bao gồm 4 loại nguồn vốn khác nhau. Thứ nhất là nguồn vốn tự có từ bản thân các chủ đầu tư, các doanh nghiệp thông thường nó sẽ chiếm khoảng 15-20 % thôi.

Nguồn lực thứ hai chính là phát hành trái phiếu, phát hành công trình, thông thường chiếm từ 30 - 35% nguồn vốn. Thứ ba là vay các tổ chức tín dụng, ở đây là các ngân hàng trong nước, thì thông thường chỉ chiếm từ 40 - 45 % là phù hợp. Với phần còn lại huy động nguồn lực từ quốc tế, bao gồm cả vốn ODA.

PV: Trở lại đề xuất của Bộ GTVT, nếu thực hiện việc nhượng quyền thu phí hoặc đấu giá quyền thu phí thì hành lang pháp lý cần những quy định gì?

TS. Cấn Văn Lực: Cái này là sự phối hợp giữa Nhà nước với tư nhân, chẳng hạn như cơ quan quản lý đối với một dự án hạ tầng giao thông sau đó thì sẽ có một doanh nghiệp tư nhân doanh nghiệp Nhà nước sẽ tham gia thực thi thực hiện các công trình đó, sau đó sẽ tổ chức để đấu giá, đấu thầu cho một tổ chức chuyên nghiệp làm việc đó.

Cái này luật pháp của chúng ta đã có, liên quan đến Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu, Luật PPP. Tuy nhiên, rõ ràng sẽ cần phải có thỏa thuận hợp tác giữa các bên, trong đó ghi rất rõ về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên có liên quan trong giao dịch đó.

PV: Nhưng lâu nay, một số dự án BOT không đảm bảo phương án thu phí bởi vì các địa phương đó có những tuyến đường song song khiến cho phương án tài chính của các dự án BOT bị phá vỡ. Vậy trong việc nhượng quyền hoặc đấu giá quyền thu phí này chúng ta có thể có quy định như thế nào đó để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp như thế này?

TS. Cấn Văn Lực: Những tồn tại bất cập lâu nay với các dự án BT, BOT có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần là do quy hoạch nó thay đổi, cơ chế, chính sách thay đổi, kể cả đường đi lối lại cũng bị thay đổi, dẫn đến việc phá vỡ phương án tài chính đối với các dự án đó và rõ ràng nó gây ra khá nhiều bất cập, rủi ro cho nhà đầu tư.

Chính vì thế, ở đây nó đặt ra câu chuyện là đối với các dự án PPP nói chung và BT, BOT nói riêng cái trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và của địa phương phải hết sức rõ ràng. Thứ hai là phải nhất quán và phải tuân thủ những cái gì đã cam kết. Thứ ba là nguyên tắc trong những dự án như thế này là chia sẻ rủi ro.

Thứ hai là cũng có phương án bảo lãnh, bảo đảm doanh thu thì những nguyên tắc này đã được nêu rất rõ trong Luật  PPP, vấn đề của chúng ta là khâu triển khai thực hiện chưa được tốt. Như vậy sắp tới chúng ta cần phải tuân thủ, phải làm tốt những khâu này.

Cuối cùng là đối với các dự án này, với việc chúng ta đấu thầu, đấu giá để cho thu phí, nhượng quyền cũng là một phương án, nhưng đó là một khâu tương đối kỹ thuật sau này, còn quan trọng hơn là cơ chế, chính sách để chia sẻ rủi ro và bảo đảm, bảo lãnh doanh thu, tôi nghĩ rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!