Chuyện hôm nay: Tiến sĩ tiện thể

Luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP. Sơn La đang là một chủ đề đàm tiếu trên các nền tảng truyền thông đại chúng những ngày vừa qua. Đây không phải lần đầu câu chuyện về những đề tài khoa học ẩm ương xuất hiện và gây cười.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Anh bạn thân của tôi, một tiến sĩ lịch sử, có một thói quen đặc biệt. Mỗi khi có dịp giao lưu, gặp gỡ người lạ, anh thường dặn: Đừng giới thiệu tôi là tiến sĩ tiến sủng gì nhé! Phiền lắm!

Ban đầu, tôi nghĩ tính anh khiêm tốn, ngại phô trương. Sau mới biết, anh ngại người ta hỏi về đề tài luận án tiến sĩ của bản thân. “Đề tài vô thưởng vô phạt ấy mà, hồi đấy rảnh, mà điều kiện không khó nên tôi tiện thì làm cái tiến sĩ, đừng nhắc đến thì hơn”, anh thật thà nói.

Những tiến sĩ tiện thể như anh bạn thân của tôi vốn không hiếm. Họ vốn không có ý định trở thành một nhà nghiên cứu, bỗng một thời điểm phù hợp, đùng một cái trở thành tiến sĩ.

Hôm nay, tôi đăng lên facebook của mình dòng trạng thái: “Nếu như các tiến sĩ buộc phải đăng ảnh bìa luận án của mình công khai trên mạng, chắc sẽ buồn cười lắm!”

Vài giờ sau, tôi mất đi 4 người bạn mạng. Họ lẳng lặng hủy kết bạn, chắc nghĩ tôi cà khịa.

Dòng trạng thái trên thực ra không phải hoàn toàn là đùa cợt. Thỉnh thoảng, cộng đồng lại rộ lên một trận cười khi một luận án tiến sĩ bị lọt ra, lan truyền trên các nền tảng truyền thông đại chúng.

Cười, bởi sự ngô nghê, vô nghĩa, ẩm ương của những đề tài nghiên cứu.

Nếu như tất cả các đương kim tiến sĩ của chúng ta đều công khai các luận án của mình, tôi chắc rằng chúng ta sẽ không còn sức để cười. Bởi, không ít người như bạn tôi, tự thấy ngượng khi phải nhắc đến thứ mà mình “nghiên cứu”.

Bỏ qua những cái tên luận án mà tôi rất ngại phải viết ra, tôi đã thử đến thư viện và đọc để rồi bất ngờ về hàm lượng tri thức quá thấp của nhiều nghiên cứu.

Rất ít luận án chỉ ra được yếu tố mới được phát hiện trong nghiên cứu của mình. Thậm chí có nhiều luận án chỉ như một báo cáo mang quy mô nhỏ, cỡ sở ngành địa phương.

Và, điều đó thực ra không hề bất ngờ vì tỉ lệ giữa số lượng tiến sĩ và các phát nh, phát hiện khoa học của chúng ta đã phần nào cho thấy sự hình dung về chất lượng tiến sĩ Việt Nam.

Ảnh nh họa: Ngọc Diệp

Những 'tiến sĩ tiện thể' khiến cho uy tín xã hội của tầng lớp trí thức Việt Nam trở nên tầm thường là một chuyện, nhưng quan trọng hơn, nó khiến niềm tin của người dân vào các khuyến nghị của giới trí thức mất đi, và thay vào đó là những niềm tin lệch lạc đầy sự nhiễu loạn trong một thế giới đang ứ thừa thông tin.

Nhưng, những 'tiến sĩ tiện thể' như anh bạn tôi không có lỗi trong chuyện này. Họ chỉ đơn giản là tranh thủ, khôn hơn thiên hạ một chút để tìm kiếm một chút danh vị, có thể là một chút bổng lộc của xã hội đối với danh vị của mình, khi mà điều kiện để có được danh vị đó quá dễ dàng.

Thậm chí khi có ý kiến chuẩn đào tạo tiến sĩ đang ngày càng dễ dàng hơn, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng uyển ngữ “chuẩn đào tạo tiến sĩ không phải thụt lùi mà điều chỉnh phù hợp hơn.”

Tất nhiên, phải phù hợp thì nhiều người mới tiện thể đùng một cái trở thành tiến sĩ được.

Nếu như các nghiên cứu sinh buộc phải công bố các đề tài nghiên cứu của mình trên các nền tảng truyền thông đại chúng, có lẽ những người thẩm định, duyệt đề tài sẽ cẩn trọng hơn.

Có lẽ, sẽ ít hơn những 'tiến sĩ tiện thể', những tiến sĩ đùng một cái vinh quy, và sẽ ít có những để tài nghiên cứu cắc cớ, ngô nghê để chúng ta được cười.