Chuyện hôm nay: Thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng Tư đỏ lửa

Tháng Tư đỏ lửa là từ mà ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) dùng để bình luận về thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày này.

 Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tháng Tư đỏ lửa là từ mà ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) dùng để bình luận về thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày này - Ảnh nh họa

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng từ nhiều nhân tố, cả trong và ngoài nước. Về áp lực từ bên ngoài, bên cạnh xung đột địa chính trị, thì vấn đề rủi ro lạm phát và FED thắt chặt chính sách tiền tệ ngày càng được nhà đầu tư quan tâm, khi mà điều này có thể dẫn tới những hệ lụy lớn hơn đối với đà hồi phục của kinh tế thế giới, ví dụ như là có thể nhanh chóng dẫn tới suy thoái kinh tế.

Các dự báo gần đây về thời điểm suy thoái kinh tế tại Mỹ đã có các mốc thời gian gần hơn (2023-2024) dựa trên những tính toán về kỳ vọng lãi suất. Và giai đoạn trung gian từ nay tới đó, chính là lạm phát kèm suy thoái (stagflation), với đặc trưng là tăng trưởng chậm lại đi kèm giá cả leo thang giống như giai đoạn những năm 1970s.

Có lẽ FED đã phải chọn một thứ đỡ xấu hơn so với việc không làm gì. Không làm gì, sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề hơn rất nhiều.

Đối với Việt Nam, việc mở cửa trở lại chậm hơn các quốc gia khác nên có lẽ tới thời điểm này chúng ta mới cảm nhận được nhiều hơn áp lực từ giá cả gia tăng.

Tuy nhiên, nhìn vào con số thì tính trung bình quý I CPI cũng chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 4% của Chính phủ, và cũng không phải ở mức cao kiểu vài thập kỷ như các quốc gia khác.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có gì đáng lo. Lạm phát sẽ làm ảnh hưởng tới tăng trưởng là điều khó tránh khỏi.

Cụ thể có thể lấy gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 để làm ví dụ. Về phần kích cầu, giảm thuế VAT 2% cũng là một nỗ lực lớn từ phía Chính phủ, nhưng khi giá cả nhiều mặt hàng đang tăng cao hơn khá nhiều so với con số 2%, thì cũng làm ý nghĩa của chính sách này không còn được như dự tính ban đầu.

Rồi cấu phần đầu tư công trong gói kích thích kinh tế, khi mà chi phí vật liệu xây dựng đồng loạt tăng cao, thì việc giải ngân sẽ trở nên khó khăn, nhất là khi các nhà thầu theo hình thức trọn gói sẽ ngần ngại triển khai do sợ thua lỗ.

Về các yếu tố trong nước, mặc dù các số liệu kinh tế vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh quý 1 khá tích cực, nhưng các diễn biến trên thị trường hiện ở mức khá tiêu cực.

Các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về những diễn biến liên quan đến việc xử lý việc thao túng chứng khoán và việc xử lý những sai phạm của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận những hoạt động làm trong sạch thị trường sẽ có tác dụng tích cực trong dài hạn đối với thị trường, nhưng trong ngắn hạn đã tạo ra những lo ngại từ phía các nhà đầu tư cá nhân.

Nhóm các cổ phiếu thuộc ngành tài chính, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm điểm khá mạnh do nhà đầu tư cho rằng ít nhất một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ảnh nh họa

Có quá nhiều tin đồn không được kiểm chứng được tung ra trong giai đoạn này, và các nhà đầu tư cá nhân không phải ai cũng bình tĩnh được. Và hơn thế là cũng khó có cơ sở nào để xem xét tin đồn do có ít mối quan hệ, nên thường có cách tiếp cận rất đơn giản là tin đồn luôn đúng và có hành xử như là thông tin đó đã được kiểm chứng.

Quan điểm của chúng tôi về trái phiếu doanh nghiệp là đây thực sự đây không phải là kênh đầu tư dễ chịu ngay cả đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp với các vấn đề về nh bạch thông tin, thanh khoản và các rủi ro về nội tại doanh nghiệp phát hành.

Cũng giống như cổ phiếu, nếu việc tự đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, thì việc ủy thác qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể là một lựa chọn để hạn chế rủi ro.

Điểm sáng của thị trường trong thời gian qua có lẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Tuy rằng nhiều năm nay khối ngoại vẫn bán ròng, và từ đầu năm nay vẫn ở xu thế bán ròng, khoảng USD250m. Dòng vốn rút ròng chủ yếu ở Châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc.

Trong khi đó thì dòng vốn vào ròng chủ yếu tập trung ở Thái Lan (thông qua các quỹ ETF) và Taiwan. Dự kiến trong thời gian tới cũng có 1 số quỹ mới và dòng tiền mới đến từ 2 thị trường này.

Tuy nhiên, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN đối với TTCKVN giờ cũng thấp, chiếm 5.9% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022, nên tính dẫn dắt cũng giảm nhiều và tác động không lớn (trong giai đoạn 2015-2019, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN chiếm 15-20% giá trị giao dịch).

Mặc dù liên tục bán ròng trong 2 năm qua tuy nhiên trong những phiên mà thị trường bị bán tháo mạnh sau chuỗi ngày giảm giá thì NĐTNN thường thực hiện việc mua ròng.

Về quan điểm đầu tư thì trong thời điểm này không cần phải vội vàng nhảy từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác.

Điều cần làm có lẽ là có sự thay đổi, cấu trúc lại trong danh mục của từng kênh đầu tư của chúng ta theo hướng bớt dần tính đầu cơ, giảm bớt hoặc hạn chế vay nợ trong bối cảnh lãi suất tăng.

Cổ phiếu luôn là một lựa chọn tốt trong bối cảnh lạm phát, khi lợi nhuận của nhà đầu tư vẫn có thể tăng cùng với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.

Cái thời tiền rẻ, ăn bằng lần, có lẽ đã qua và nhà đầu tư vẫn cần quay lại với tầm nhìn dài hạn hơn, để có thể sống sót qua giai đoạn này.

-----

Trên đây là những phân tích của chuyên gia Phạm Lưu Hưng về thị trường chứng khoán VN trong tháng tư đỏ lửa. Tác giả là Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn, SSI.