Chuyện hôm nay: Thành phố khô cằn

Mùa mưa đang đến và câu chuyện muôn thủa: phố biến thành sông sẽ lặp lại như một sự kiện thường niên, dù có những cách bền vững để chấm dứt chuyện này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Mỗi mùa mưa, chúng ta sẽ lại được đọc ở trên báo, nghe trên radio tin tức về chuyện chỗ này hay chỗ kia ngập trong thành phố. Cùng với những bản tin, sẽ là những bài hướng dẫn nhau về cách nào để lái xe ô tô hay đi xe máy qua khỏi những chỗ ngập nước.

Rất nhiều người sẽ đồng thanh nhắc chuyện “hồi xưa đâu ngập thế” một cách tiếc rẻ.

Tất nhiên, không nhiều người có ký ức đủ dài, để biết hay nhớ, thành phố Hà Nội từng có những trận lụt ngập cả các con phố quanh Hồ Gươm. Không nhiều người nhớ cảnh cá rô rạch trên bãi cỏ quanh hồ Thiền Quang hay quanh hồ Bảy Mẫu.

Cũng không nhiều người để tâm, là năng lực thoát nước chung của thành phố đã tốt hơn trước đây khá nhiều, và cũng không nhiều người hiểu rằng, hạ tầng thoát nước của thành phố chỉ có thể thiết kế để chịu các cơn mưa đến một mức nào đó, và lớn hơn thì sẽ có ngập úng, và rút đi sau đó.

Ảnh nh họa - TTXVN 

Nhưng cũng phải nhìn một cách khác, là thành phố của chúng ta đang quá lãng phí và phi lý trong quy hoạch đô thị, và tạo thêm gánh nặng cho việc thoát nước, nhất là mỗi khi mùa mưa đến.

Hà Nội vốn là thành phố thấp, nhiều vùng trũng, cả nghìn cái hồ suốt dọc sông Hồng,…những cơn mưa của thành phố trước đây sẽ dồn trước hết về những cái hồ ấy, rồi mới từ từ thoát tiếp ra sông Tô, sông Nhuệ, sông Sét,…

Đô thị phát triển, các hồ nước trong thành phố ít dần, thành phố mất đi năng lực chứa nước trước khi thoát ra sông.

Âu, chuyện lấp hồ, cũng không phải mới, và không còn có thể quay lại thời xưa, cũng chẳng thể mong những khu đồng ruộng quanh thành phố để tạo khu vực đệm mỗi cơn mưa lớn.

Nhưng cần nhìn một góc khác nữa, khi đô thị hoá và cải tạo đô thị ngày nay đã làm mất đi một năng lực khác, là thấm nước vào lòng đất trước khi chảy trên mặt đất ra các cống thoát.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực xử lý thoát nước - Ảnh Hà Nội mới

Ít người còn nhớ, nhiều phố cũ Hà Nội như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng có vỉa hè là một lối đi lát gạch ở giữa, còn hai bên là những dải đất trồng cỏ. Nước từ những cơn mưa trước hết sẽ ngấm xuống những dải đất ấy, vừa để giảm bớt nhu cầu thoát nước, vừa cung cấp nước cho cây trồng đô thị, bổ sung nước ngầm cho thành phố.

Những năm trước, thành phố từng dùng gạch beton ghép làm vỉa hè, cũng có thể giúp nước ngấm vào lòng đất dễ hơn.

Nhưng rồi những vỉa hè lại bị cạy lên, đầu tiên sẽ là lớp beton mỏng được trải ra, rồi mới đến lớp gạch lát.

Nước mưa giờ đây không còn có thể ngấm qua được vỉa hè nữa, mà phải chảy trên bề mặt, chảy về cống rồi chờ thoát đi theo hệ thống thoát nước của thành phố.

Một lượng nước mưa lớn lẽ ra có thể ngấm vào lòng đất, giờ đây sẽ là thứ mà hệ thống thoát nước phải gánh.

Không chỉ thế, nước ngấm qua bề mặt để bổ sung cho đất đai ở thành phố cũng bị giảm đi, dưới những con đường, ngôi nhà, vỉa hè và công trình của thành phố, là một lớp đất khô cằn, cây cối trồng ở đô thị vì thế cũng sẽ bị bớt đi lượng nước được bổ sung từ tự nhiên.

Mưa lớn gây ngập khu vực phố Lê Thái Tổ, Hà Nội hôm 16/4/2022 - Ảnh Hà Nội mới

Có lần tôi hỏi một người thiết kế vỉa hè ở Hà Nội, tại sao lại làm thế, anh ấy bảo, lớp bê tông mỏng sẽ giúp phẳng hơn và dễ làm hơn.

Nhưng đô thị đâu phải chỉ cần thế, nó vẫn cần phải sống nữa, và một thành phố khô cằn sẽ khó khăn hơn để phát triển hài hoà.

Thật may, khi vài năm nay chúng ta nhìn thấy một vài tuyến phố đã được thay các lớp beton vỉa hè, các hàng gạch lát bằng những dải cây thấp, đường phố trở nên xanh tươi hơn, nhiều sức sống hơn.

Sẽ tốt hơn nhiều, nếu việc bố trí những dải đất xanh trên vỉa hè như thế được đưa vào quy chuẩn, để bớt đi gánh nặng cho hệ thống thoát nước, và để thành phố của chúng ta sẽ bớt đi sự khô cằn, để cây cối trong đô thị có thể phát triển tốt hơn.

 Và đó chẳng nên chỉ là một ước mơ.