Chuyện hôm nay: Học Bác, một thái độ yêu thương

Ngày 19/5, một ngày đặc biệt với người Việt Nam - ngày sinh nhật Bác Hồ. Ngày mà chúng ta nói lại rất nhiều những câu chuyện về Bác.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong chiếc túi đựng hộ chiếu của tôi luôn có một bức ảnh Bác Hồ. Đó là bức ảnh Người cưỡi ngựa trên chiến khu, với dáng vẻ ung dung, tự tại.

Tôi thường ngắm bức ảnh đó, ngắm thần thái của Người, để tự nhủ lòng rằng những vướng mắc, khó khăn trên hành trình không bao giờ là lý do cản trở con đường mình đã chọn.

Hồi nhỏ, tôi đọc rất nhiều câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ. Những câu chuyện khiến tôi kính ngưỡng Người như một vị thánh, và những câu chuyện phi thường ấy khiến tôi cảm thấy đó là tấm gương mà mình chỉ có thể nhìn từ xa, mà không thể học tập.

Mãi sau này, khi đã lớn lên, khi đã đi qua những địa danh mà Bác đã từng đặt chân đến, có những hình dung cụ thể, rõ nét hơn về cuộc sống của Người, tôi mới nhận ra điều khiến Người có được một cuộc đời phong phú, có được những thành tựu thần thánh như vậy, chính là bởi thái độ của Người đối với cuộc sống.

Trong suốt hành trình viễn du tìm đường cứu nước của Người, hậu thế có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện với biết bao khảo dị khác nhau. Tuy nhiên, có một sự thật là người đã làm rất nhiều công việc, từ phụ bếp, thợ ảnh, viết báo, bán báo, cào tuyết…

Sự thật đó nói lên một điều rất rõ ràng về Người, một thanh niên luôn có ý thức học, để làm những công việc cụ thể, thực tế, để duy trì cuộc sống một cách tự chủ.

Để nuôi chí lớn, Bác không chọn cách chỉ là một nhà lý luận, mà trước hết, phải tự chủ với cuộc sống của mình, bằng lao động, bằng việc cố gắng học những kỹ năng làm việc như một người lao động chân chính.

Chỉ khi có thể tự chủ việc mưu sinh bằng chính khả năng lao động của mình, chúng ta mới có thể độc lập trong tư tưởng để nghĩ đến những điều lớn lao hơn, như là độc lập, tự do cho dân tộc.

Tôi đến Hang Pác Bó, đến Đá Chông, những nơi Bác đã chọn để sống và làm việc trong những thời điểm quan trọng của lịch sử và nhận ra đó đều là những nơi sơn thủy hữu tình. Khi có thể chọn lựa một không gian sống trong hoàn cảnh cụ thể, Người đều chọn những nơi sơn thủy hữu tình như thế.

Điều đó cho thấy Người luôn trân quý những vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi non sông hồ, để tạo ra một không gian sống, và làm việc nên thơ nhất có thể, để vui với hoàn cảnh, để nuôi dưỡng được những năng lượng tích cực nhất cho tâm hồn.

Trái tim lớn lao chỉ có thể được nuôi dưỡng bởi năng lượng tích cực của tâm hồn chứ không phải sự bi quan, chán nản.

Khi các con tôi học những bài học về Bác Hồ, chúng hỏi tôi điều gì khiến bố ấn tượng nhất về con người đặc biệt ấy. Tôi cho chúng xem bức ảnh Bác cưỡi ngựa, Bác tập quyền, Bác chơi bi-a, Bác chèo thuyền, Bác bắt nhịp cho dàn đồng ca… những bức ảnh rất đời thường của Bác.

Tôi cho chúng thấy Bác là một con người có lối sống lành mạnh, cân bằng, có nhiều niềm vui giản dị trong cuộc sống. Tôi dẫn chúng đến những địa danh non xanh nước biếc mà Bác đã để lại dấu chân, để chúng thấu hiểu tình yêu của Bác với đất nước non sông.

Học Bác, không có nghĩa là hô khẩu hiệu với những điều to tát. Học Bác, trước tiên là học thái độ sống bình thản, tự chủ của một con người khi đứng trước những hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời, dù khó khăn, dù nghịch cảnh thế nào.

Học Bác, là học cái cách Người yêu thương ngọn núi, dòng sông, yêu lá cây, ngọn cỏ để dung dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Học Bác, là học lối sống lành mạnh để vui với những niềm vui nhỏ bé, để luôn có thể nhìn thấy những khía cạnh nên thơ của cuộc đời. Đó là những bài học mang đến cho mỗi con người chúng ta tình yêu cuộc sống để mà biết đấu tranh, bảo vệ cuộc sống yêu thương ấy cho dân tộc, cho đồng bào của mình.