Chuyện hôm nay: Đừng coi thường hoạt động giám sát

Không phải bao giờ hoạt động giám sát cũng được tôn trọng, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong quản lý, thực thi chính sách. Tôn trọng sự giám sát không chỉ là tôn trọng luật pháp, mà còn là cơ hội để không phạm phải sai lầm trong công tác.

Hôm 14/4 vừa rồi, ông Cao Thanh Bình, trưởng ban văn hoá xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố huỷ bỏ buổi tái giám sát công tác phòng, chống COVID-19 của HĐND TP.HCM với các sở Tài Chính, Y Tế, Lao động – Thương binh và Xã hội vì một số sở, ngành không cử lãnh đạo đến dự và cũng không gửi báo cáo theo yêu cầu.

Khi huỷ bỏ buổi tái giám sát, ông Bình đánh giá, có lẽ các sở, ngành xem việc giám sát này không quan trọng, “xem thường đoàn giám sát” và cho biết, sẽ báo cáo lên Thường trực HĐND TP.HCM về việc này.

Tại buổi tái giám sát, chỉ có mặt lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và xã hội, trong khi các Sở Y tế và Tài chính không cử lãnh đạo sở đến làm việc, mục đích của buổi tái giám sát, theo ông Bình, là để “làm rõ nguyên nhân chậm thực hiện và những vướng mắc khó khăn để có giải pháp tốt”.

Sau đó, Sở y tế đã công bố thư xin lỗi ông Cao Thanh Bình và trình bày các nguyên nhân khiến cơ quan này không cử đại diện lãnh đạo tham dự buổi tái giám sát. Theo trình bày tại văn thư này “do phải tập trung cho công tác chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi và hoàn thiện các nội dung để báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Ban Giám đốc Sở Y tế đã cử Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính chuẩn bị tài liệu và tham dự họp theo giấy mời trên.

Cùng thời gian này, lãnh đạo Phòng Kế hoạch Tài chính cũng phải trực tiếp bổ sung và hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ nên đã cử chuyên viên dự thay nhưng chưa xin ý kiến Ban Giám đốc Sở Y tế.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-xã hội của HĐND TP.HCM. Ảnh: Vietnamnet

Qua sự việc trên, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và Sở Y tế xin rút kinh nghiệm cũng như mong nhận được sự thông cảm của ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM.”

Giám sát việc tuân thủ pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tại địa phương là một quyền năng quan trọng của Hội đồng nhân dân, được quy định trong Hiến pháp.

Khoản 8, điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ  “Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và văn bản của Hội đồng nhân dân cấp huyện.” Điều 87, của luật này cũng quy định đầy đủ về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Là đơn vị chuyên môn của Uỷ ban nhân dân, các sở, ngành và người đứng đầu các cơ quan đó đương nhiên và có nghĩa vụ phải biết, tôn trọng và thực hiện các quy định về chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân.

Thứ nhất, dù muốn hay không, phải thật sự nhìn nhận sự coi nhẹ vai trò, chức năng giám sát của cơ quan dân cử, không chỉ ở buổi giám sát bị huỷ bỏ tuần vừa rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở nhiều cấp, nhiều địa phương khác. Một chức năng hiến định quan trọng bậc nhất của cơ quan dân cử đã bị nhiều cán bộ, nhiều cơ quan xem nhẹ, có lẽ vì hoạt động đó không có quá nhiều tác động đến chính cán bộ ấy, cơ quan ấy.

Thứ hai, khi sự thiếu tôn trọng, thiếu trách nhiệm đã rõ ràng, đến mức buổi giám sát không thể thực hiện được, thì lỗi đó không phải là thiếu tôn trọng ông trưởng ban, thiếu tôn trọng cá nhân trong đoàn giám sát, mà là sự thiếu tôn trọng với hiến pháp, với pháp luật, với thể chế. Người cần được xin lỗi, đương nhiên không phải và không chỉ là người đứng đầu đoàn giám sát.

Thứ ba, có lẽ cũng cần phải nhắc đến kỷ luật hành chính, ví dụ ông giám đốc sở hay phó giám đốc sở bận, hoặc không nắm được đầy đủ công việc, vấn đề, ông ấy có thể và có quyền uỷ quyền cho một người khác đi dự thay mặt cơ quan.

Tuy nhiên, việc uỷ quyền ấy đương nhiên và cần thiết phải được đoàn giám sát chấp thuận, và việc uỷ quyền ấy không nên bao gồm việc tái uỷ quyền, theo cách ông giám đốc cử ông phó, ông phó cử ông trưởng phòng, ông trưởng phòng cử ông chuyên viên…

Sự việc này, vì thế, có lẽ nên được xem xét và xử lý một cách nghiêm túc, từ nhiều phía, trong đó có kỷ cương hành chính công vụ và thái độ tôn trọng luật pháp, chứ không nên chỉ đơn giản giải quyết bằng một lời xin lỗi với cá nhân người đứng đầu đoàn giám sát.

---

Tác giả Phạm Quang Vinh là một doanh nhân, và là cộng tác viên thường xuyên của VOV Giao thông.