Chuyện hôm nay: Cơ hội liêm chính

Sau gần 1 tháng áp dụng thí điểm nộp phạt lỗi vi phạm luật giao thông online tại Hà Nội, những ý kiến phản hồi từ người dân đa số là tích cực. Chuyện này, không chỉ là khía cạnh chuyển đổi số, mà còn là cơ hội cho sự liêm chính.

Việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến đem lại sự thuận tiện cho người dân và còn được kỳ vọng sẽ giúp ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực (Ảnh nh họa)

Dăm năm trước, tôi lái xe từ Portland đi Seatle, Hoa kỳ, dọc theo đường bờ biển. Đường rất vắng và rất đẹp, mải vui chuyện nữa, tôi lái khá nhanh.

Từ phía sau xuất hiện một chiếc xe cảnh sát và đang đi theo, rồi bật đèn nháy trước đầu xe, tôi đi chậm lại, và tạt xe vào lề đường.

 Viên cảnh sát giao thông dừng xe, đến chỗ tôi, và khá nhẹ nhàng hỏi bằng lái. Tôi ngồi nguyên ở chỗ lái, đưa cho anh ta bằng lái, và hỏi anh ta:

- Có vấn đề gì phải không?

 - Ông lái xe vượt tốc độ.

- Tôi quả đã không để ý, có nhiều lắm không.

- Nhiều đấy, khá nhiều.

 Sau khi quay lại xe để kiểm tra bằng lái, anh ấy quay lại xe tôi:

- Ở đoạn đường 101 có hạn chế tốc độ là 45 dặm mỗi giờ, ông lái xe ở tốc độ gần 70 dặm, vượt quá tốc độ giới hạn gần 25 dặm, nếu ông là công dân Mỹ, ngoài việc phải phạt tiền, ông sẽ phải bị giữ bằng lái, nhưng vì ông là người nước ngoài và dùng bằng lái quốc tế, nên sẽ chỉ bị phạt tiền.

 Anh ta đưa cho tôi quyết định phạt cùng với bằng lái, và nói tiếp:

- Tôi quyết định phạt ông 206 đô-la do lỗi lái xe vượt quá tốc độ. Ông sẽ có ba lựa chọn, hoặc ông kiện ra toà, khiếu nại về quyết định của tôi vì tôi phạt ông không đúng, hoặc ông kiện ra toà, và trình bày nguyên nhân ông cần lái xe nhanh như vậy để toà xem xét, hoặc ông đồng ý với quyết định của tôi và nộp phạt…

 Tôi quyết định rất nhanh, là thừa nhận lỗi lái vượt quá tốc độ, và nộp phạt.

- Tôi nghĩ là mình đã lái quá nhanh và không nghĩ nên khiếu nại. Tôi thật ra đang trên đường ra sân bay để rời Mỹ.

- Nếu anh quyết định nộp phạt, anh nên nộp trước khi rời Mỹ, để không gặp phải rắc rối nào khác, anh có thể nộp ở toà thị chính, trên đường anh đến sân bay…

 Khi tôi đề nghị hướng dẫn, anh ấy nói tôi đi theo, đưa tôi đến toà thị chính thị trấn South Bend, đưa tôi đến gặp cô nhân viên toà thị chính, nơi tôi nộp 206 đô-la tiền phạt, khá nhanh chóng, và vẫn kịp chụp ảnh bên cạnh “cái vỏ sò lớn nhất thế giới” ở gần đó, rồi đi tiếp ra sân bay, và vẫn kịp trả xe rồi lên máy bay, không bị muộn.

 Tôi nhớ chuyện ở South Bend, vì một câu chuyện khác ở quê nhà.

 Vài hôm trước, tôi lái xe trên đường quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía bắc vào thành phố Vinh, Nghệ an, thì một anh cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe.

 Anh ấy nói tôi đã lái xe ở tốc độ 66 ki-lô-mét một giờ, vượt tốc độ giới hạn 6 ki-lô-mét, và được yêu cầu vào làm việc với một anh cảnh sát khác ngồi trong bốt kiểm soát.

 Tôi đỗ xe, mang giấy tờ xe đến bốt đưa cho anh cảnh sát kia xem.

 Tôi lại được thông báo là lái xe vượt quá tốc độ giới hạn 6 ki-lô-mét.

 Tôi nghĩ mình sai thì nộp phạt thôi, và đề nghị anh cảnh sát lập biên bản để nộp phạt, và đề nghị anh ấy làm luôn để có thể nộp phạt và đi tiếp.

 Khi thấy tôi để nghị lập biên bản nhanh vì đang vội, anh ấy nói, tôi sẽ bị phạt anh 900 nghìn đồng và sẽ phải giữ bằng lái xe 7 ngày, “mấy ngày nữa anh quay lại Nghệ an làm việc và nộp phạt”

 Tôi nói với anh ấy rằng, tôi không có nhiều thời gian, và đang vội.

 Anh ấy nói với tôi, có thể chuyển sang một lỗi khác, và tôi có thể nộp phạt rồi đi luôn. Đã đến giờ hẹn với khách, tôi chấp nhận, và đưa cho anh ấy tiền để “nhờ “nộp phạt. Một số tiền ít hơn mức phạt anh ấy nói với tôi.

 Đến lúc đã xong công việc, nghĩ lại, tôi cứ bứt rứt mãi, vì khó chịu với hành xử của chính mình lúc buổi sáng ấy.

 Lẽ ra, tôi không nên chấp nhận đề nghị của anh cảnh sát giao thông trong câu chuyện này, và không nên hành xử như thế.

 Nhưng mà, tại sao việc vi phạm một lỗi nhỏ như vậy, lại không thể giải quyết đơn giản như cách viên cảnh sát ở South Bend, mà lại phải phức tạp đến mức “hẹn 7 ngày quay lại xử lý”, bởi vì thẩm quyền xử phạt hành chính đối với lỗi này thuộc về Trạm trưởng, Đội trưởng chứ không thuộc về chính chiến sĩ CS đang làm nhiệm vụ?

 Sẽ có không ít người như tôi, vì sự phiền hà của việc chờ đợi một cấp khác ra quyết định xử phạt hành chính, mà chấp nhận một cách xử lý khác.

 Thay vì quy định thẩm quyền theo mức tiền phạt, có lẽ cũng nên có cách khác, là áp dụng thẩm quyền xử phạt theo lỗi cụ thể, và đồng thời, câu chuyện ở South Bend tôi kể trên kia có thể là một gợi ý, khi tạo ra các nguyên tắc cho phép người vi phạm có thể khiếu nại hoặc khởi kiện nếu không chấp nhận việc xử phạt.

 Tôi nghĩ, việc đó sẽ giúp mọi người tuân thủ tốt hơn, và tránh được nhiều hệ luỵ không mong muốn khác.

Và tôi cho rằng, việc Hà Nội đang thí điểm nộp phạt lỗi vi phạm luật giao thông online là một chỉ dấu đáng khích lệ, khi tạo ra cơ hội cho sự liêm chính./.