Chuyện hôm nay: Bi kịch của sự vô tình

Vụ chiếc máy bay của hãng hàng không Phương Đông Trung Quốc (China Eastern Airlines) rơi hôm 21/3, khiến 132 người chết, đang được cho là tai nạn có chủ ý khi có người trong buồng lái cố tình tác động. Nếu thông tin này là sự thật, có lẽ đây là câu chuyện rùng rợn bậc nhất trong lịch sử hàng không.

Bởi hàng trăm mạng người có thể vô tình được lựa chọn để tuẫn táng cùng một trái tim đau khổ của thành viên tổ bay. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những cái chết vô lý, không biết vì sao mình phải chết, không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào, luôn là nỗi kinh hoàng, đáng sợ nhất đối với con người. Nhưng, thực ra, câu chuyện như này đã từng được cảnh báo từ năm 2014, bởi một nhà làm phim người Argentina, Daan Szifron.

Trong bộ phim hài đen tối có tên (Những câu chuyện hoang dại) Wild Tales, nhà biên kịch kiêm đạo diễn người Argentina đã kể 6 câu chuyện bi kịch về sự báo thù của những thân phận bé mọn, những người tuyệt vọng khi bị đồng loại xem thường.

Đó là những hành động mà chúng ta không thể ngờ nó có thể xảy ra với tư duy thông thường, bởi nó quá tuyệt vọng.

Trong đó, câu chuyện đầu tiên là một vụ rơi máy bay, mà tất cả hành khách đều từng vô tình hay cố ý khiến một cậu bé bị tổn thương. Cậu bé ấy sau này là phi công và tất cả hành khách đều được nhận vé mời trong chuyến bay định mệnh.

Những câu chuyện hoang dại là một bộ phim hài đen tối, nhưng cảm xúc lớn nhất mà nó đem lại cho người xem là sự xót thương. Những kẻ thủ ác trong 6 câu chuyện đều bị chà đạp ở các mức độ khác nhau bởi sự vô tình của cuộc đời.

Sự vô tình của môi trường giáo dục, của gia đình, của luật pháp, của khoảng cách giàu nghèo, và của cả tình yêu… những sự vô tình giết chết tình yêu thương, giết chết nhân tính của con người.

Khi xem bộ phim này, tôi dễ dàng hình dung đến những câu chuyện rùng rợn đã từng xảy ra trong cuộc sống. Tôi hình dung đến người đàn ông 58 tuổi ở TpHCM sau khi chém chết con rể đã bỏ cái xác lên xe máy chở đến đồn công an tự thú.

Người đàn ông ấy là một người cha đã nhiều ngày sống trong sự bất lực khi con gái ông liên tục bị chồng đánh đập hành hạ mà không có một sự trợ giúp nào của luật pháp.

Người cha bất lực ở TP.HCM chỉ chém chết gã con rể vũ phu rồi tự thú như một sự đánh đổi để cứu vớt cuộc đời con gái mình.

Còn Đặng Ngọc Viết, một người lao động phổ thông ở Thái Bình thì khác, anh ta là lao động chính trong một gia đình có một người cha già yếu, một người anh bị chất độc da cam, và 2 đứa trẻ nhỏ dại.

Bị bắt nạt, cảm thấy cả loài người quay lưng với số phận của mình, anh ta mang súng vào trụ sở UBND thành phố bắn 4 người không quen biết rồi tìm đến chân tượng phật trong một ngôi chùa để tự sát.

Cái chết dưới chân tượng Phật của Đặng Ngọc Viết là một biểu tượng, khi anh ta bắn những người không quen rồi tìm về chân tượng Phật để tự kết liễu mình. Anh đã để lại thông điệp về nỗi thất vọng với đồng loại của mình.

Những vụ xả súng tại Mỹ hàng năm, có bao nhiêu phần trăm mang động cơ cụ thể? Tôi chắc rằng mãi mãi không có câu trả lời.

Vụ cơ phó một hãng hàng không Đức khóa cửa khi cơ trưởng ra ngoài rồi lao máy bay xuống dãy núi Alpes làm 150 người thiệt mạng năm 2015 cũng chỉ có nghi vấn viên phi công trầm cảm.

Nhưng trầm cảm, tự sát không giống với việc lấy mạng những người không quen biết một cách dễ dàng. Họ chỉ làm thế khi chán ghét đồng loại đến mức tuyệt vọng, khi cuộc sống, với họ, chỉ là sự vô tình vô cảm.

Sự vô tình dẫn chúng ta đến với những bi kịch vô tình, những cái chết vô tình và không thể cứu vãn.