Chuyện hôm nay: Bãi giữa sông Hồng và tầm nhìn của các nhà quản trị đô thị

Những cồn đất, cù lao trên dòng sông bên phố là những món quà duyên dáng của tự nhiên. Việc ứng xử với những món quà đó như nào sẽ cho chúng ta thấy được trình độ quản lý, cũng như tầm vóc văn hoá của các nhà quản trị đô thị.

Ảnh nh họa

 Hôm cuối tuần vừa rồi, tôi lại ra Bãi Giữa, và cố gắng tìm lại những dấu tích của cánh đồng cỏ tranh mênh mông trong những bức ảnh chụp với các cậu con trai tôi hơn 10 năm trước, và ngỡ ngàng nhận ra, cả bãi cỏ tranh ấy giờ đây đã được ngăn bằng các hàng rào dưới xây gạch, trên là lưới thép B40, có cổng sắt khoá, đường vào được rải bằng xà bần xây dựng.

Bãi cỏ tranh ngút mắt tôi từng khoe với các bạn mình trong những bức ảnh chụp các cậu con trai đã hoàn toàn biến mất.

Tôi về xem lại trên Google Earth, một giải pháp cho phép quan sát lại địa hình trong nhiều năm, ngỡ ngàng nhận ra ngôi nhà tranh nhỏ với cây trứng cá mà cặp vợ chồng trẻ Huyền – Thịnh cư trú giữa bãi cỏ tranh đã là vườn của một ai đó…

Chỉ hai mươi năm trước, những mảnh vườn quây rào mà có lẽ những người dân phố Hà Nội vừa mua vẫn còn nằm giữa dòng chính của sông Hồng. Những bức ảnh vệ tinh chụp Hà Nội năm 2000 sẽ cho thấy một Bãi Giữa hoàn tòan khác, khi bãi cát và cánh đồng mênh mông phía làng Bắc Cầu, Gia Lâm vẫn còn vươn ra đến giữa dòng sông hôm nay, sát mép Bãi Giữa.

Lướt theo thời gian của các tấm ảnh vệ tinh trên Google Earth, chúng ta sẽ nhận ra mọi thứ đã thay đổi rất nhanh, hình hài của Bãi Giữa Sông Hồng đã biến đổi liên tục. Đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn là một làng Cơ Xá Trung Hà trên phần đất cao hơn của Bãi Giữa, nơi vẫn còn lác đác vài cây nhãn già, một vài nếp nhà.

Phần phía bắc của dòng sông thì thay đổi liên tục, bồi rồi lại lở rồi lại bồi, từ năm 2000 thì bãi cát phía tả ngạn, giáp Bắc Cầu bắt đầu lở, bồi đắp vào phần của Bãi Giữa, rồi đến cuối năm 2009 thì một bãi cát nữa nổi lên giữa lòng sông, cao dần lên giữa dòng chảy của Bãi Giữa và Bắc Cầu…

Bao nhiêu năm nay, từ lúc dân làng Cơ Xá dời đi, Bãi Giữa là vùng đất trồng cấy, dân Hưng Yên lên, dân Phú Thọ xuống, thuê đất ở đây để trồng rau, trồng màu, sau này còn trồng cả chuối. Bãi Giữa cũng là nơi có lẽ trồng cây củ mài, tức cây Hoài sơn – một vị thuốc Nam lớn nhất nước mình. Sau Tết là mùa thu hoạch củ mài, dân Bãi Giữa cạo vỏ, xông lưu huỳnh cho khỏi mốc, bán cho các nhà thuốc Nam…

Cho đến dăm sáu năm trước, tôi vẫn rủ các cậu con trai mình ra Bãi Giữa mỗi cuối tuần, chúng tôi quen thuộc với nhiều gia đình ở đây, với những con đường đất gồ ghề, với những người nông dân chất phác mà quý người.

Rồi bây giờ, dòng phía Hà Nội cạn, xe máy, ô tô có thể vượt qua lòng sông, nơi mấy năm trước mùa nước phải đi thuyền ra, dân Hà Nội cũng ra đó mua đất quây rào, có lẽ để thoả cái mộng sở hữu một khu vườn.

Năm 2010, tôi và cậu con trai lớn có dịp đạp xe cả ngày ở Buenos Aires, ra khu bảo tồn mênh mông ở sông River de la Plata cạnh thành phố. Bãi sông mênh mông ở đó thuộc sở hữu chung, lau sậy mọc um tùm, chúng tôi theo người hướng dẫn đạp xe theo những con đường đất dọc ngang khu bảo tồn, nơi người dân thành phố vui chơi, đi dạo, phơi nắng, tắm sông ở những bãi cỏ cạnh con sông…

Cậu con trai tôi đã gần như nhớ ngay đến Bãi Giữa, và mơ ước đến một Bãi Giữa có ngày trở thành nơi nghỉ ngơi và đi dạo cho người Hà Nội.

Quả thực không có nhiều thành phố có được một Bãi Giữa như sông Hồng ưu ái dành cho Hà Nội, nơi không chỉ cho chúng ta chứng kiến những đổi thay kỳ diệu và khó đoán định của thiên nhiên, mà còn là một khu vườn khổng lồ chạy dọc suốt chiều dài thành phố, từ tây sang đông…

Bãi giữa, hẳn là nên được đối xử một cách nghiêm túc, tử tế và hài hoà, như một không gian công cộng đặc sắc của thành phố, khi mà tương lai của Hà Nội sẽ nằm cả ở hai bờ sông Hồng, khi không gian sống đô thị đang ngày một chật chội hơn.

Hà Nội đã từng bất lực nhìn khu bãi rác được quy hoạch làm công viên Đống Đa bị lấn chiếm và không bao giờ trở thành hiện thực, và nếu không nhanh tay hơn những người đang xây tường, quây rào, chia lô những bãi cát mới nổi lên ngoài sông Hồng kia, thì rồi sẽ lại đến lúc, chúng ta sững sờ nhận ra Bãi Giữa đã trở thành một đám rác khổng lồ giữa lòng sông…

Và tất cả tương lai của Bãi Giữa sẽ cần một tư duy khác của những người quản lý đô thị hôm nay./.

---

Tác giả Phạm Quang Vinh là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của VOV Giao thông.