Chú trọng giao thông phi cơ giới giúp thành phố trở nên đáng sống

Câu chuyện các cụ ông, cụ bà đi xe buýt lên phố, nhưng phải tập phản xạ, sự tinh mắt và kỹ năng… “né” xe khi sang đường phần nào cho thấy một vấn đề nổi cộm của giao thông Hà Nội. Đó là sự kém ưu tiên cho giao thông phi cơ giới.

Cứ vài ngày, vợ chồng ông bà Bùi Thị Mai (63 tuổi), lại lên xe buýt di chuyển từ quận Thanh Xuân, Hà Nội lên khu vực chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) để tham gia câu lạc bộ khiêu vũ. Tuy nhiên, khi đến điểm dừng xe buýt trước cửa số nhà 32 phố Minh Khai, ông bà rất loay hoay và bối rối để băng sang bên kia đường vào chợ Mơ.

Nguyên nhân bởi nơi đây đang bị bịt ngã tư, không có vạch kẻ sang đường cho người đi bộ. Với bề rộng lên tới 60 mét, ông bà Mai phải băng qua 10 làn xe hỗn hợp đang chạy vun vút với tốc độ tối đa 60km/h.

Không lý do nào có thể biện nh cho việc cả đoạn đường 1,5 cây số với 10 làn xe lưu thông bình thường, xuyên qua một khu dân cư đông đúc bậc nhất thành phố, lại không có lấy một nơi để sang đường an toàn.

Thật khó hiểu khi nhà chờ xe buýt được bố trí gần như lạc quẻ, thiếu tính kết nối với các điểm đến, thiếu thân thiện và tiện lợi cho người đi bộ.

Một đại lộ được mở ra với rất nhiều vạch chỉ đường, vạch phân làn, nhưng chúng dường như chỉ phục vụ các phương tiện cơ giới, mà chưa tính đến tập quán, thói quen và nhu cầu đi lại của cư dân trước khi mở đường.

Tại các khu vực nhu cầu người dân đi bộ, đi xe đạp sang đường lớn, khu vực tập trung mật độ trường học cao, lại thiếu vắng hoàn toàn các vạch sang đường, lươn giảm tốc, các biển cảnh báo nguy hiểm phía trước, hoặc đèn tín hiệu sang đường.

Một quy luật tất yếu là TNGT xảy ra khi ở các khu vực mà người và phương tiện băng cắt qua nhau vuông góc quá thường xuyên. Không hiếm trường hợp va chạm thương tâm mà cả người đâm lẫn người bị đâm đều là nạn nhân của một sự tổ chức giao thông bất cẩn.

Còn nhớ, tại các tuyến đường vành đai 3, đường cao tốc cửa ngõ của thành phố, Hà Nội từng bố trí gần 20 hầm bộ hành. Kể cả khi chúng chưa được sử dụng hiệu quả, bị bỏ hoang lâu năm, thì sau này, khi đô thị hóa phát triển rộng về vùng ven, khi dân số và nhu cầu sử dụng tăng, việc có sẵn hạ tầng hầm bộ hành là một ưu điểm.

Vì vậy, với một tuyến đường 2 tầng chạy trong nội đô, nhu cầu sang đường cao như vành đai 2, sự thiếu hụt hầm kỹ thuật cho người đi bộ là một điều khá khó hiểu. Nó cho thấy tầm nhìn và mức độ ưu tiên dành cho người đi bộ, đi xe đạp của các nhà tổ chức giao thông.

Người đi bộ vẫn đang bị đánh bật khỏi vỉa hè sau những khẩu hiệu lớn từ năm nay sang năm khác là “phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Người đi xe đạp vẫn phải liều lĩnh hòa lẫn vào dòng xe cơ giới trong khi chính quyền đô thị vẫn đang loay hoay đi tìm làn riêng cho xe đạp.

Người khuyết tật, người yếu thế vẫn chỉ được ưu tiên thực sự ở một số rất ít tuyến phố. Đa số vẫn gặp vô vàn khó khăn trong tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng.

Lối lên xuống vỉa hè, cầu thang, cầu hầm, lối lên xuống xe buýt, buýt nhanh BRT, lối đi trên vỉa hè… vẫn chỉ là những chi tiết nhỏ dễ bị lãng quên trong các thiết kế, thi công ở các dự án về giao thông. Và họa may nếu những chi tiết ấy được nhớ tới, thì lại “làm chưa tới”.

Ví như việc rào chắn xe máy để bảo vệ vỉa hè lại vô tình ngăn luôn người khuyết tật đi lên; lắp ghế đá cho người đi bộ nghỉ chân nhưng lại cho phép ô tô đỗ trên vỉa hè.

Gần đây, trên làn sóng FM91 của VOV Giao thông thực hiện một số format chương trình mới, trong đó có chuyên mục “Chuyện trò trên phố”, ghi lại những chi tiết, sự đổi thay rất nhỏ trên đường phố mà các bác tài có thể bỏ qua, không để ý tới khi lái xe.

Thiết nghĩ, các nhà quản lý giao thông cũng cần tăng cường hơn các cuộc khảo sát dạng “chuyện trò trên phố” với chính các cư dân tại nơi tuyến phố được mở, tại nút giao vừa được cải tạo hoặc một dự án đang thi công.

Mọi vấn đề và giải pháp đều có thể được tìm ra, khi chúng ta chịu lắng nghe những đối tượng tham gia giao thông yếu thế nhất. Và dĩ nhiên, thành phố sẽ trở nên đáng sống hơn, khi chính quyền đô thị không chỉ ưu tiên các làn đường cho xe cơ giới, mà còn thực sự chú trọng tới giao thông phi cơ giới.