Chồng chéo kiểm định thiết bị đăng kiểm

VOVGT-Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi Thông tư 23 khiến hàng năm, các doanh nghiệp buộc phải tháo dời dây chuyền đăng kiểm để đưa về Hà Nội kiểm định

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Các đơn vị đăng kiểm trên khắp cả nước sẽ phải đưa thiết bị về Viện Đo lường Việt Nam (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có thêm 10 loại thiết bị thuộc lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới được đưa vào phương tiện đo nhóm 2, trong đó có nhiều thiết bị đặc chủng, chuyên ngành như đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới; đo độ trượt ngang của bánh xe trong dây chuyền kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; đo kiểm tra lực phanh xe cơ giới trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…

Đại diện doanh nghiệp Đông Đô (Bắc Ninh) phản ánh, việc các phương tiện đo được xếp vào nhóm 2 và phải được Tổng cục Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiểm định và cấp phép 12 tháng/lần là bất hợp lý. Theo vị đại diện này, sau khi kiểm định, đánh giá chất lượng xong các đơn vị phải sửa chửa, bảo trì, rất mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp.

Điều khiến doanh nghiệp đăng kiểm bức xúc là theo thông báo của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, tất cả các tổ chức kiểm định phương tiện đo nhóm 2 tại các địa phương không có năng lực kiểm định được các bộ phận thiết bị trong dây chuyền kiểm định. Vì vậy, để kiểm định được các thiết bị trong dây chuyền này, các đơn vị đăng kiểm trên khắp cả nước sẽ phải đưa số thiết bị này về một nơi duy nhất là Viện Đo lường Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, trụ sở tại số 8 - Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).

Điều này sẽ gây ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị và ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và người dân tại các địa phương. Hơn nữa, theo Luật giao thông đường bộ, từ năm 2005, việc quản lý hoạt động đăng kiểm được giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam đang hoạt động ổn định, nay thêm đề xuất của Bộ Khoa học và công nghệ tham gia quản lý đối với dây chuyển thiết bị chuyên ngành sẽ gây chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều thiết bị trong dây chuyền kiểm định hiện nay nằm trong diện phải kiểm định (Ảnh: Báo Giao thông)

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, đơn vị này đã nhận được phản ánh của hơn 100 doanh nghiệp đăng kiểm phản ánh về vấn đề này. Theo ông Trí, nếu Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực sẽ gây chồng chéo về quản lý, bởi hiện nay đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động theo Luật Giao thông đường bộ và do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý. Do vậy, như đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa, rất nhiều thiết bị trong dây chuyền kiểm định hiện nay nằm trong diện phải kiểm định và sẽ có thêm một đơn vị quản lý chuyên ngành, khiến doanh nghiệp đăng kiểm phải tăng thêm chi phí.

Ông Trí nói: “Các doanh nghiệp lo lắng rằng việc kiểm soát thêm thì nó sẽ phát sinh thêm chi phí, tăng thêm chi phí thì sẽ dẫn đến vấn đề là phương án đầu tư của người ta sẽ bị ảnh hưởng, có thể là lỗ hoặc có thể dẫn đến vấn đề là tăng giá kiểm định và ảnh hưởng đến 2,8 triệu ô tô, tức là 2,8 triệu đối tượng cũng bị ảnh hưởng điều chỉnh giá theo.

 

Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, đơn vị này đã có báo cáo Bộ GTVT và sẽ phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng để thống nhất một đầu mối quản lý và không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, luật sư Bùi Sinh Quyền, Giám đốc văn phòng luật sư Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, về mặt quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đăng kiểm phương tiện xe cơ giới giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện là hợp lý. Tuy nhiên, việc kiểm định dây chuyền đăng kiểm lại là hoạt động kiểm định chuyên ngành nên việc giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - chất lượng là đúng thẩm quyền.

Luật sư Bùi Sinh Quyền nói: “Hoạt động này ở tầm cao khác nên về Bộ Khoa học và Công nghệ là đúng. Cái đó là kiểm tra những cái lâu nay anh cho phép. Giống như việc cho phép anh cấp giấy phép đăng ký xe ô tô, bây giờ tôi phải kiểm tra lại quy trình của anh có đúng hay không, hoặc tôi phải tăng quy trình lên thì anh mới được cấp đăng ký xe ô tô.

 

Tuy vậy, trong cuộc họp báo mới đây, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lương- Chất lượng cho biết sẽ tiếp thu để chỉnh sửa Thông tư 23 nhằm tạo điều kiện và không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Vì sao liên tiếp giảm phí qua trạm BOT?