Cho phép tư nhân tham gia có nâng cao được chất lượng xe buýt?

Đội xe buýt gần 3.000 chiếc của Bangkok (Thái Lan) đang trong tình trạng tồn tàn, xuống cấp. Do đó, giới chức đang lên kế hoạch thuê các công ty tư nhân vận hành một phần dịch vụ, thay vì thế độc quyền như trước đây.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bangkok lên kế hoạch tái cơ cấu dịch vụ xe buýt. Ảnh: Bangkok Post

Đầu tháng 6, Ủy ban Chính sách Doanh nghiệp quốc gia Thái Lan (SEPC) phê duyệt về nguyên tắc kế hoạch tái cơ cấu Cơ quan giao thông công cộng Bangkok (BMTA) với mục đích cải thiện các dịch vụ xe buýt của thành phố cũng như tình hình tài chính của cơ quan này.

Kế hoạch này bao gồm việc mua các xe buýt có điều hòa và được quản lý bởi các nhà thầu nhằm cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, điều chỉnh các tuyến đường, đồng thời kết nối với các phương thức vận tải công cộng khác và cùng đầu tư bởi tư nhân để cải thiện các dịch vụ công cộng.

Đáng chú ý, Cơ quan giao thông công cộng Bangkok sẽ khai thác 3.000 xe buýt trên 108 tuyến đường. Các đơn vị tư nhân sẽ vận hành 1.500 xe trên 54 tuyến khác.

Ông Chirute Visalachitra của Cơ quan Giao thông vận tải công cộng cho biết: Mức phí di chuyển bằng xe buýt sẽ rẻ hơn khi phí cố định được ấn định ở mức 30 baht/ngày (khoảng 22.000 đồng).

Phóng viên đài NBT đưa tin từ buổi hội thảo về kế hoạch tái cơ cấu hệ thống Bus Bangkok trước khi trình Chính phủ cho hay: “Kế hoạch sẽ giúp hành khách có thêm lựa chọn, giúp giảm số lượng xe bus có mặt trên đường trong khung giờ cao điểm, giảm ô nhiễm môi trường từ khí thải, giảm tỉ lệ TNGT. Và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng một nửa trong số 208 tuyến bus với 6.000 xe hiện tại”

Cựu thành viên Hội đồng quản trị BTMA, Kanit Wattanawichian cho biết, kế hoạch thuê các công ty tư nhân giúp cắt giảm các chi phí, giá vé cố định trong ngày đem đến nhiều lợi ích hơn.

Là một trong ba doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ GTVT Thái Lan hoạt động kém hiệu quả nhất, BMTA hiện đang phải xử lý một khoản nợ trị giá 172 tỷ baht và giới quan sát cho rằng, nếu không có kế hoạch tái cấu trúc, khoản nợ có thể sẽ vượt quá con số 200 tỷ baht vào cuối năm 2020.

Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, Narumon Pinyosinwat cho biết, về lâu dài, chính phủ kỳ vọng BMTA có thể tự chủ và Chính phủ không phải gánh các khoản nợ của cơ quan này nữa.

Nhiều năm qua, BMTA cũng đưa ra một số giải pháp nhưng gặp thất bại. Đơn cử như việc lắp đặt máy bán vé điện tử nhằm cắt giảm nhân công đã bị hủy bỏ chỉ sau một thời gian ngắn vì hệ thống này không thực tế. Tuy nhiên, không ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Về lâu dài, chính phủ kỳ vọng BMTA có thể tự chủ và Chính phủ không phải gánh các khoản nợ của cơ quan này nữa. Ảnh: bangkokpost

Được biết, hiện đã có một số nhà thầu tư nhân đang vận hành xe buýt, thế nhưng hành khách hoàn toàn không hài lòng bởi họ bị áp mức vé cao nhưng dịch vụ không tương xứng; tài xế và nhân viên xe buýt không được đào tạo bài bản, chất lượng phương tiện thấp.

Do đó, để đảm bảo tái cơ cấu thành công, BMTA cần phải giải quyết thấu đáo các vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo giá vé công bằng và phải chăng, đồng thời xem xét mức trợ cấp hợp lý với những trường hợp khó khăn.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan, Saksayam Chichob cho biết, chi tiết cụ thể của kế hoạch sẽ được trình chính phủ trong tháng 7 này.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các đơn vị vận hành xe buýt đang rơi vào cảnh “thu không đủ bù chi” do mức trợ giá chưa sát với thực tế. Mười đơn vị vận tải xe buýt ở TP.HCM (quản lý hầu hết xe buýt trên địa bàn TP) đang kiến nghị UBND TP và các sở ngành thanh toán các khoản công nợ do trợ giá xe buýt.

Liên quan đến vấn đề mới này, trong cuộc họp diễn ra mới đây, Sở GTVT TPHCM cho biết việc điều chỉnh, phân bổ nguồn ngân sách trợ giá xe buýt cho các doanh nghiệp vận tải trong năm 2020 đã được UBND TP cho phép sở GTVT, phối hợp các đơn vị liên quan để tính toán đầy đủ, rà soát, lập dự toán bổ sung chi ngân sách.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Đã có sự thống nhất rồi thì chúng ta không cần phải lo lắng giữa trung tâm cũng yên tâm để ký hợp đồng với doanh nghiệp trên nguyên tắc đó. Và như vậy đầu năm giao chưa đủ thì cuối năm sẽ điều chỉnh của năm 2020, vấn đề này theo tôi gần như chúng ta đã được giải tỏa rồi”.

Trong khi đó, đơn vị vận hành tuyến buýt số 72 (Bến xe Yên Nghĩa – Xuân Mai) tại Hà Nội cũng vừa có văn bản kiến nghị xem xét điều chỉnh doanh thu trợ giá nếu không, đơn vị buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng trên tuyến buýt này từ ngày 15/7.

Đánh giá về việc xã hội hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trong thời gian qua, chuyên gia giao thông TS Đinh Thị Thanh Bình nêu ý kiến: “Việc xã hội hóa sẽ huy động thêm được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Và khi có nhiều doanh nghiệp tham gia thì sẽ phá vỡ thế độc quyền. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh nhau để có cái quyền được vận hành tuyến, cung cấp dịch vụ đồng thời phải tìm cách để cải thiện chất lượng dịch vụ mang lại lợi ích cho khách hàng”.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng cần quản lý tốt việc vận hành của các doanh nghiệp vận tải bởi nếu thực hiện không tốt, vận tải công cộng sẽ mất đi sức hấp dẫn và khó thu hút hành khách tiếp tục sử dụng xe buýt.