Cho phép chở quá số người nhất định: Dây an toàn có cũng như không

Việc thắt dây an toàn trên ô tô ở tất cả các vị trí có trang bị dây an toàn là rất quan trọng để giảm thiểu chấn thương do TNGT. Tuy vậy, từ thực tế những gì đang diễn ra; thì rõ ràng, cần rà soát và sửa đổi phù hợp, để tránh tình trạng, quy định này làm

Ảnh nh họa

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, xe 9 chỗ chở quá 2 người trở lên sẽ bị xử phạt từ 400-600 nghìn đồng mỗi người vượt quá. Điều đó có nghĩa, nếu chở quá 1 người sẽ không bị xử phạt. Tương tự, xe chở quá từ 4 người trở xuống trên xe trên 30 chỗ sẽ không bị xử phạt.

Như vậy, trường hợp chở quá số người này chắc chắn sẽ không có dây an toàn. Hơn nữa, khi chỗ ngồi bị xô lệch, các dây an toàn khác nhiều khả năng…có cũng như không.

Giải thích quy định không xử phạt với một số trường hợp chở quá số người theo quy định, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT cho biết, quy định không xử phạt một số trường hợp chở quá số người theo quy định đã được đề cập trong các Nghị định số 32, nghị định 46 và hiện nay là Nghị định 100

Quy định này nhằm tạo điều kiện để thuận lợi khi vận dụng vào thực tế, bởi trong một số trường hợp người lớn đi kèm trẻ em, nếu tính cả trẻ em sẽ thiệt thòi cho các doanh nghiệp vận tải. Ông Tùng cũng thừa nhận, với những trường hợp này, quy định bắt buộc thắt dây an toàn sẽ không có hiệu quả:

 

"Đúng là quá thì sẽ không có chỗ để thắt, nên hiện nay cũng đang xem xét vì vấn đề dây an toàn thì thứ nhất chúng ta vừa đưa ra để răn đe, để tuyên truyền, khi tạo thành thói quen sẽ bắt đầu siết lại. Cho nên hiện nay trong quy định về dây an toàn mới xử phạt tại những vị trí có trang bị dây an toàn".

Trên thực tế, mặc dù đã có quy định xử phạt các trường hợp phải thắt dây an toàn tại các vị trí có trang bị dây an toàn. Anh Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Công ty Du lịch Hoàng An (Hà Nội) cho biết, thực tế hoạt động cho thấy, hầu hết khách trong nước ít khi chấp hành việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô mặc cho tài xế có nhắc nhở. Điều này đang khiến doanh nghiệp vận tải, du lịch lao đao:  

 

"Những xe to thì thường lái xe không thể để ý được những ghế đằng sau, cho nên không thể nhắc nhở khách được, nhà xe lại phải chịu phạt. Bây giờ chỉ cần 1 người không đeo dây thì nhà xe đã hết cả 1 cuốc xe rồi, chưa nói là trên xe 3-4 người không đeo thì chẳng còn một cái gì luôn".

Về phía hành khách, mặc dù quy định đã có từ lâu, nhưng cho đến nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người đi ô tô chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn ở các hàng ghế sau:

 

"Theo tôi việc thắt dây an toàn cho những người ngồi ghế trên thì được, nhưng người ngồi ghế sau tôi nghĩ thắt dây an toàn nó rất vướng víu, đặc biệt trong một số trường hợp đi xa có con nhỏ đi cùng".

"Khi mà đi trên cao tốc với tốc độ cao yêu cầu phải thắt dây an toàn là đúng, còn những làn đường hỗn hợp, với tốc độ di chuyển bình thường thắt dây tự nhiên khó chịu hơn. Cho nên phần đa là không thắt dây từ ghế thứ 2 trở xuống".

Thực tế cũng cho thấy, việc xử lý lỗi không thắt dây an toàn khi xe đang chạy cũng chưa thực sự được lực lượng chức năng coi trọng. Bởi, trong số gần 2 triệu hành vi vi phạm bị CSGT xử lý trong 6 tháng đầu năm, hành vi không thắt dây an toàn không có thống kê và cũng không hề được đề cập. Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng:

 

"Người đi xe nhiều khi họ cũng coi thường, cho rằng chắc cũng chả vấn đề gì đâu, nên nếu không nhắc nhở thường xuyên hoặc có hình thức xử lý thì nó sẽ rất khó".

Ông Phạm Minh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, khi mạng lưới cao tốc ngày càng được mở rộng, hạ tầng được cải thiện, tốc độ xe chạy tăng, nếu không thắt dây an toàn, chỉ cần phanh gấp, thì những vị trí ghế ngồi không có dây an toàn đã có thể bị chấn thương.

Nếu không may xảy ra tai nạn, tỷ lệ thương vong với những hành khách không thắt dây an toàn sẽ cao hơn rất nhiều. Do vậy, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã đưa ra quy định để khắc phục những bất cập này:

 

"Các nhà sản xuất phương tiện hoặc nhập khẩu phương tiện để tham gia giao thông trên mạng lưới đường bộ ở VN phải có dây đai an toàn, có cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp. Như vậy, các loại phương tiện được sản xuất, lắp ráp, hoặc nhập khẩu vào VN thì bắt buộc tât scar các vị trí ghế ngồi, giường nằm đều phải có dây đai".

Mặc dù các lực lượng chức năng vẫn tuần tra kiểm soát thường xuyên vi phạm đối với xe chở người khi lưu thông, nhưng lỗi “không thắt dây an toàn ở hàng ghế sau” thường ít được để ý

Việc thắt dây an toàn trên xe ô tô ở tất cả các vị trí có trang bị dây an toàn là rất quan trọng để giảm thiểu chấn thương do TNGT. Tuy vậy, từ thực tế những gì đang diễn ra khi người dân khó thực hiện quy định thắt dây an toàn trên những xe chở vượt quá một số lượng nhất trong giới hạn cho phép, thì rõ ràng, cần rà soát và sửa đổi phù hợp, để tránh tình trạng, quy định này làm khó quy định kia, làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mời các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Đừng vì “săn sắt” mà thả “cá rô”.

 

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước giảm được tới 45-50% nguy cơ tử vong và từ 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; thắt dây an toàn ở vị trí ghế sau giảm được từ 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương khi tai nạn giao thông xảy ra. Người ngồi trên xe không thắt dây an toàn có nguy cơ bật khỏi xe cao gấp 30 lần khi va chạm.

Quy định bắt buộc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô đã được luật hóa từ năm 2008 tại Luật Giao thông đường bộ, áp dụng cho người ngồi ở hàng ghế trước. Sau đó, quy định được bổ sung áp dụng cho tất cả các vị trí có trang bị dây an toàn trên xe. Nghị định 100 tiếp tục điều chỉnh tăng mức phạt đối với cả người điều khiển xe và người ngồi trên xe ô tô, nếu không chấp hành quy định này.

Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhận thức đúng đắn của các nhà làm luật về tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn trong giảm thiểu hậu quả TNGT, và là công cụ hữu hiệu để nhắc nhở ý thức trách nhiệm của người lái xe, người tham gia giao thông.

Việc chở thêm từ 1 đến 4 người trên các xe ô tô từ dưới 9 chỗ cho đến 30 chỗ hiện nay không bị xử phạt, và nguy cơ vượt quá tải trọng cũng không phải là vấn đề. Nhưng trên thực tế, khi một hàng ghế chỉ cần có thêm 1 người, đồng nghĩa rằng, dây an toàn ở tất cả các vị trí khác cùng hàng sẽ gần như ..vô tác dụng. Vì chỗ ngồi bị xô lệch, thắt dây an toàn không dễ dàng, trừ trường hợp đó là trẻ em quá nhỏ, ngồi trên lòng cha mẹ.

Nếu chuyến xe chở thêm 4 người thì có ít nhất 4 hàng ghế trong trạng thái như vậy. Số người bị đặt trong trạng thái rủi ro cao độ nếu chẳng may xảy ra sự cố đâm va sẽ không phải là 1 hay 4, mà thường là gấp ba, gấp tư con số đó.

Mặc dù các lực lượng chức năng vẫn tuần tra kiểm soát thường xuyên vi phạm đối với xe chở người khi lưu thông, nhưng lỗi “không thắt dây an toàn ở hàng ghế sau” thường ít được để ý hơn so với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, như tốc độ, rượu bia ma túy, tránh vượt, v.v. Các chuyên đề xử lý xe “nhồi” cũng tập trung chủ yếu vào cao điểm lễ, Tết là chính.

Số liệu xử lý vi phạm không thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau khá ít khi xuất hiện  trong công tác thống kê về vi phạm giao thông, hoặc ở một trạng thái chưa đầy đủ. Trong khi đó, theo ghi nhận, đa phần các nhà xe hay tài xế xe khách, xe hợp đồng chỉ nhắc nhở khách ngồi ở hàng ghế đầu phải thắt dây an toàn để đối phó với sự kiểm tra, còn hàng sau thì “kệ”.

Chính độ “vênh” nhất định giữa các quy định trong lĩnh vực này, cùng với sự thiếu thường xuyên của việc nhắc nhở bằng cả lời lẽ lẫn chế tài, đang khiến cho việc thắt dây an toàn ở hàng ghế sau trên xe ô tô thường bị bỏ quên, thậm chí còn khiến người chấp hành có cảm giác rằng, nó không thực sự cần thiết, cho đến khi tai nạn xảy ra.

Một vài người chở thêm, tất nhiên nhà xe thu thêm được vài vé, nhưng không đáng kể, trong khi vì nó mà thiết kế an toàn rất quan trọng – là chiếc đai, lại có nguy cơ bị để không. Đó là điều rất nên cân nhắc. bởi, người ta chỉ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” chứ không ai làm ngược lại./.