Chớ chạy theo phong trào

Việc lựa chọn Kinh tế số là động lực phát triển trong thời gian tới là một hướng đi phù hợp của TP.HCM, tuy vậy để công cuộc này thực sự mang lại hiệu quả thì rất cần những động thái cụ thể từ chính quyền thành phố lẫn các bên liên quan.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

2 năm vừa qua, dịch COVID-19 tuy đã gây ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống người dân nhưng ở góc độ nào đó lại là một cú hích tích cực để thúc đẩy giao dịch trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung, ở Việt Nam và cả phạm vi toàn cầu.

Không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ mà kinh tế số đang có xu hướng áp đảo so với nền kinh tế truyền thống. Điều này thể hiện rõ ở con số hơn 381 tỷ USD quy mô thị trường IOT trên phạm vi toàn cầu.

Với những lợi thế sẵn có, TP.HCM một lần nữa đóng vai trò tiên phong khi là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số ngay sau khi Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này cho thấy sự nhạy bén trong tư duy và hành động của chính quyền thành phố trong việc lựa chọn những phương thức tiếp cận mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Việc đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% GRDP vào năm 2030 được xem là một thách thức không nhỏ choTP.HCM. Nó vừa là tham vọng vừa là động lực để đưaTP.HCM tìm lại vị thế vốn có của mình. Quan trọng hơn là tập trung sự phát triển của thành phố theo hướng sáng tạo và bền vững.

Để có một nền kinh tế số phát triển, trước mắt cần duy trì và đảm bảo hoạt động hiệu quả nền kinh tế thực (hay còn gọi là kinh tế truyền thống). Việc đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ hàng hóa dồi dào chính là tiền đề cần thiết để thúc đẩy kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ số khác.

Thường xuyên trao đổi học tập nghiêm túc các kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trên thế giới, thiết lập các kênh hợp tác song phương, đa phương để cập nhật, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, đảm bảo tính đặc thù của đất nước, của địa phương.

Quá trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số củaTP.HCM cần gắn liền với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, rà soát các bất cập về thể chế, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng nhân sự chất lượng cao. Thường xuyên lắng nghe và kịp thời giải quyết những bất cập trong quá trình triển khai chuyển đổi số ở cấp cơ sở, doanh nghiệp lẫn người dân.

Cần khẳng định rằng phát triển kinh tế số là lựa chọn mà nhiều quốc gia, nhiều địa phương đang hướng tới. Chính vì tính thời thượng như vậy nên khi triển khai cần hết sức tập trung, nghiêm túc, tuyệt đối tránh tình trạng chạy theo phong trào dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Nên dành sự quan tâm đúng mức về nhân lực, vật lực để hoàn thành dứt điểm từng cột mốc, đề án cụ thể hơn là dàn trải, thiếu trọng tâm để rồi im lặng không kèn không trống như nhiều chủ trương khác.

Tập trung phát triển kinh tế số là tư duy đột phá và hết sức cần thiết để TP.HCM có thể về đích sớm hơn trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Hơn hết, đó còn là cơ hội để TP.HCM tái khẳng định vai trò dẫn dắt trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Cơ hội đã rõ, điều quan trọng là sự quyết tâm cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất của cả hệ thống chính trị, để cùng làm đúng, làm đủ, làm một cách khoa học theo tinh thần đổi mới, sáng tạo mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.