Chính sách ô tô khiến người dân “ngại” sử dụng phương tiện công cộng?

Tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), tình trạng tắc nghẽn giao thông đã trở lại khi nền kinh tế nước này mở cửa và nhiều người quay lại nơi làm việc. Các số liệu cho thấy tình hình giao thông thậm chí còn tồi tệ hơn trước đại dịch mà nguyên nhân là bởi người dẫn vẫn “lười” đi phương tiện công cộng.

Anh Vimal Kumar, cho biết những ngày gần đây giao thông còn tồi tệ hơn so với trước đại dịch COVID-19. Để đi quãng đường 10km đến chỗ làm, anh phải lái xe mất gần 1 tiếng đồng hồ, thế nhưng, anh vẫn không có ý định để chiếc xe ô tô ở nhà.

“Nếu đi phương tiện công cộng, tôi phải đi bộ 5 phút, đổi 2 bến tàu sau đó cuối cùng là bắt xe buýt để đến nơi làm. Vì vậy dù hàng ngày trung bình tôi mất từ 1,5h đến 2h để di chuyển trên đường nhưng tôi thà tự lái xe còn hơn. Mặc dù tôi biết tôi đang góp phần làm gia tăng ùn tắc”, anh Vimal Kumar nói.

Không chỉ anh Vimal mà có hàng trăm nghìn lái xe ở Kuala Lumpur cũng lựa chọn sử dụng xe cá nhân mỗi ngày thay vì phương tiện công cộng.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đã trở lại khi nền kinh tế nước này mở cửa và nhiều người quay lại nơi làm việc. Ảnh: malaysiakini

Theo Sở giao thông đường bộ, mặc dù dân số chỉ hơn 33 triệu người, nhưng có hơn 30 triệu phương tiện được đăng ký ở Malaysia. Trung bình mỗi hộ gia đình sở hữu nhiều hơn một chiếc ô tô.

Các chuyên gia giao thông cho rằng nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ chính sách ô tô ra đời từ những năm 1980 khuyến khích người dân dễ dàng sở hữu ô tô cá nhân vẫn được duy trì đến ngày hôm nay.

Chính sách sở hữu ô tô mâu thuẫn cùng với quy hoạch kém là những lý do chính khiến việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% của chính phủ.

Ông Wan Agyl Wan Hassan, chuyên gia giao thông cho biết: “Điều này sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì chính sách ô tô quốc gia muốn sản xuất thêm nhiều xe ô tô và sản xuất nhiều xe ô tô đồng nghĩa với việc bạn muốn bán được nhiều hơn”.

Hiện chỉ có 20% người dân sử dụng phương tiện công cộng, còn lại vẫn phụ thuộc vào xe cá nhân. Hệ quả là hệ thống đường sắt được cho là không được người dân lựa chọn.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Anthony Loke cho biết cần phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy người dân chuyển hướng sang giao thông công cộng: “Đây là một vấn đề khá phức tạp. Bạn không thể đột nhiên nói rằng tôi muốn không khuyến khích việc sở hữu ô tô nữa và đề cập đến lựa chọn mà bạn muốn đưa ra với công chúng.

Chính phủ phải từng bước giải quyết những vấn đề đã rồi mới nói về phương án khác; ví dụ như việc thu phí tắc nghẽn vào thành phố sẽ khiến cho việc sở hữu ô tô trở nên tốn kém hơn hay thậm chí là cắt giảm trợ cấp nhiên liệu”. 

Các chuyên gia giao thông cho biết bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trung chuyển thường xuyên và đáng tin cậy thì cải thiện khả năng tiếp cận đối với các ga tàu chính là chìa khóa. Chính phủ cũng nên tìm kiếm giải pháp để nâng cấp chất lượng các loại phương tiện cơ động cỡ nhỏ thay vì cấm xe scooter điện trên diện rộng.

Ông Wan Agyl Wan Hassan, chuyên gia giao thông cho biết thêm: "Tôi không thể tiếp cận tàu điện, và đó chính là vấn đề mà hệ thống này đang gặp phải để thực sự trở thành xương sống cho vận tải công cộng cả nước”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Wee Ka Siong cam kết sẽ cải thiện hệ thống vận tải công cộng nhưng nhấn mạnh rằng không nên chỉ trích duy nhất Bộ Giao thông khi xảy ra ùn tắc: “Việc lập lại trật tự, ngăn chặn ùn tắc không đơn thuần từ nỗ lực của riêng Bộ giao thông, lực lượng cảnh sát; mà phải từ sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị có liên quan tới dòng chảy giao thông. Tất cả các khâu lại không nằm trong Bộ Giao thông, nhưng họ lại luôn chỉ trích chúng tôi".

Trong khi đó, việc chậm chuyến hay gián đoạn của hệ thống đường sắt cũng tác động ít nhiều đến niềm tin của công chúng vào hệ thống giao thông công cộng. Cho đến khi các vấn đề này được giải quyết thì nhiều người tham gia giao thông Malaysia có lẽ vẫn sẽ cố gắng bám trụ vào chiếc xe cá nhân bất chấp việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh trong năm nay.

Còn tại Việt Nam, mặc dù hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở rộng thế nhưng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dường như ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi người dân vẫn không thể từ bỏ thói quen di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Các chuyên gia cho rằng để giải bài toán ùn tắc, chính quyền các thành phố cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh việc phát triển giao thông công cộng.

Song song với đó, cần quy hoạch và ưu tiên quỹ đất để xây dựng các tổ hợp trông giữ xe hiện đại, kiêm bến xe bus, xe trung chuyển tại dọc các tuyến vành đai để người dân gửi xe cá nhân và di chuyển trong nội đô bằng phương tiện công cộng, hayxe đạp.

Có như vậy, mới có thể từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, từ đó giải tỏa áp lực giao thông của thành phố một cách bền vững.