Chiến dịch tiêm chủng ở Hà Nội: Nhiều nơi vội vàng, chưa có sự chuẩn bị

Từ hôm qua (09/9), khi Hà Nội thực sự bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine COVID-19, nhiều điểm tiêm tại Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm... rơi vào tình trạng rối loạn vì lượng người đến tiêm quá đông, có nơi hàng trăm người xếp hàng, chen lấn ở đ

Vậy, các cơ sở tiêm chủng đang gặp khó khăn gì?

Hà Nội sẽ tháo gỡ ra sao để đảm bảo nguyên tắc an toàn số 1, tránh lây nhiễm chéo, đồng thời để thực hiện được mục tiêu hoàn thành xét nghiệm toàn dân và tiêm chủng cho người đủ 18 tuổi trở lên trước ngày 15/9?

Sáng 10/9, để hoàn thành mục tiêu từ nay đến 15/9, người dân được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 tối thiểu 1 mũi, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô, hàng trăm người dân, gồm các phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Bông, Hàng Hai, Cửa Nam đã đến đây để tiêm phòng dịch (Ảnh: Chấn Hải)

Chị Nguyễn Thị Vân, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người vừa được tiêm vaccine tối qua (9/9) cho biết, việc thông báo và tổ chức tiêm cho người dân diễn ra rất đột ngột, vội vàng: "7h tối mới thông báo, bảo là đi tiêm luôn. Lịch tiêm là từ 6 rưỡi đến 8 rưỡi mà gần 7h mới báo, không có sự chuẩn bị. Lúc tiêm cũng không được thông báo, lúc ngồi chờ sau tiêm mới biết mình được tiêm thuốc gì".

Anh Nguyễn Văn Thiết, phường Mai Động, quận Hoàng Mai phản ánh: "Lực lượng y tế theo quan sát và đánh giá của tôi thì đang cực kỳ áp lực và mệt  mỏi, lực lượng thì ít mà nhiều công việc căng như thế nên đến thời điểm này. Lực lượng y tế phường Mai Động đã chạy hết công suất".

Anh Nguyễn Đình Luyện, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn khá phức tạp nên việc tổ chức tiêm cũng gặp nhiều khó khăn, bà con rất sốt ruột, nên ai cũng được tiêm sớm:

"Nhân dân ai cũng mong muốn được tiêm, đăng ký rồi mà đợt này tiêm không được tiêm, lý do nào không được vào danh sách. Tâm lý mọi người không theo giờ đăng ký, có người đến sớm, đến muộn gây khó khăn cho người tiêm".

Người dân được hướng dẫn kê khai đăng ký, xếp hàng chờ đợi đến lượt tiêm (Ảnh: Chấn Hải)

Trước đó, ngày 06/9, trong chương trình Sự việc và góc nhìn với chủ đề: cần chủ động kế hoạch triển khai tiêm chủng khi vaccine về ồ ạt”, VOV Giao thông đã cảnh báo nguy cơ xảy ra với Hà Nội và nhiều địa phương, nếu chưa sẵn sàng phương án tiêm chủng có thể dẫn đến bị động, ảnh hưởng đến đảm bảo giãn cách và an toàn khi tiêm, nhưng rất tiếc trong ngày hôm qua, rất nhiều điểm tiêm đã tỏ ra lúng túng, bị động và không đảm bảo giãn cách.

Mặc dù đại diện các địa phương để xảy ra tình trạng này cho biết sẽ có chấn chỉnh ngay, nhưng nguy cơ tương tự vẫn có thể xảy ra khi triển khai tiêm ở các khu vực khác. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật (CDC) Hà Nội:

PV: Theo ông có hay không áp lực hoàn thành chỉ tiêu tiêm cho toàn bộ người dân trước ngày 15/9?

Ông Khổng Minh Tuấn: Thật sự có điểm đông là có, tuy nhiên đã thống nhất từ Sở chỉ huy Thành phố nhưng gần như có những nơi đánh trống bỏ dùi, ủy thác toàn bộ cho y tế.

Y tế chỉ thực hiện chuyên môn khám và tiêm, còn toàn bộ công tác tổ chức, mời , điều tiết người dân ra như nào để không quá tải thì chính quyền phải lo, phụ nữ, Đoàn Thanh niên phải lo, nghĩa là phải bố trí những điểm tiêm cụ thể ở đâu, tại những điểm đó thì bao nhiêu lực lượng tham gia...

Phải chi tiết đến mức độ như thế mới có thể đảm bảo được. Nơi nào chính quyền ra tay thì làm rất tốt, ví dụ như hôm qua ở Cung Văn hóa Việt – Xô tiêm hàng nghìn người nhưng có vấn đề gì đâu.

Nhưng có một số nơi chính quyền vẫn bàng quan, ở ngoài cuộc, y tế chịu, y tế làm sao đang ngồi tiêm rồi lại ra điều hành, điều tiết được.

Ảnh: Chấn Hải

PV: Từ thực tế như ông vừa phân tích, ông có gợi ý gì để các phường, các địa bàn phức tạp hoặc đông dân cư có thể tiêm một cách an toàn và thuận lợi?

Ông Khổng Minh Tuấn: Kế hoạch tiêm của Thành phố đã ban hành từ tháng 4/2021, nghĩa là chúng ta đã có một thời gian chuẩn bị rất dài, nghĩa là các đơn vị, các địa phương phải có phương án, xây dựng kế hoạch để khi vắc xin về đến nơi là ta đã sẵn phương án, đã có kế hoạch để triển khai rồi.

Rất mong là mọi địa phương phải có phương án sẽ tiêm khu vực nào trước, phường nào trước theo kế hoạch, tức là khi vắc xin về đến nơi là chúng ta tổ chức tiêm ngay.

Và người dân cũng phải đi ra theo khung giờ chứ không phải mời anh buổi chiều nhưng sáng anh đã ra rồi, thế là lại ùn ứ. Thế là cũng lại phải từ 2 phía, còn y tế thì luôn mong muốn là phải giãn cách tối đa, bởi vì nếu không giãn cách cũng không làm được việc.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông. 

Như vậy, phương án và kế hoạch tiêm chủng đã được chuẩn bị từ sớm, nhưng đến khi triển khai vẫn có những lúng túng bước đầu. ngoài sự nỗ lực của ngành y tế để điều chỉnh và tổ chức cho khoa học, hiệu quả, cũng rất cần sự phối hợp  chặt chẽ của người dân, đi tiêm đúng hẹn và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đặc biệt, không thể thiếu sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, với trách nhiệm cao nhất của chính quyền các cấp để hoàn thành sớm nhất, tốt nhất mục tiêu tiêm chủng và xét nghiệm toàn dân.

 

PV VOVGT GHI NHẬN TẠI CUNG HỮU NGHỊ VIỆT - XÔ SÁNG NGÀY 10/9