Chiếc khẩu trang và những liều vaccine chờ tiêm hết

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông điệp 5K cũng đã được thay đổi, việc tiếp cận vaccine cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp, sự chỉ đạo một cách thống nhất, thay vì cứng nhắc áp dụng chỉ tiêu, gây áp lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Để cải thiện tỷ lệ tiêm mũi vaccine nhắc lại, TP.HCM - địa phương từng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch COVID-19 hồi năm ngoái, vẫn phải phát động một cuộc vận động tiêm mũi 3, mũi 4, cùng với việc công bố rộng rãi các địa điểm tiêm chủng, kết hợp điểm cố định và tiêm lưu động.

Nhiều địa phương khác vẫn chưa thể hoàn thành chỉ tiêu, dù thời hạn của vaccine không còn nhiều.

Dấu hiệu của sự lúng túng bắt đầu xuất hiện, khi tiêm vaccine không coi là bắt buộc, mà vận động thì kết quả chậm cải thiện.

Nguyên nhân nếu nhìn nhận từ phía những người đi tiêm, thì không hẳn chỉ là sự chủ quan.

Khi dịch bệnh chuyển sang một giai đoạn khác ít nguy hiểm hơn, sự quan tâm đến Vaccine Covid đã nhường chỗ cho các nhu cầu thiết yếu của một cuộc sống xã hội bình thường.

Guồng quay bận rộn khiến nhiều người không sẵn sàng chờ đợi, hoặc chủ động đến điểm tiêm. Nỗi lo về giá cả leo thang, về học hành thi cử của con cái, về bệnh tuổi già của cha mẹ, về áp lực công việc ở các công sở, về sự rung lắc của các kênh đầu tư…. đã làm người ta đủ bận.

Kinh nghiệm đối mặt với dịch bệnh khiến nhiều người nhận thấy việc đầu tư tăng cường sức khỏe quan trọng hơn và chủ động hơn so với sự lệ thuộc vào các mũi vaccine nhắc lại.

Không hẳn là người dân chủ quan hay thờ ơ với vaccine. Nhưng khi chiếc khẩu trang đang dần được gỡ bỏ một cách tự nhiên, thậm chí cả ở một số nơi công cộng, điều đó cho thấy trong lựa chọn của không ít người, đã có sự cân nhắc rõ ràng, giữa một bên là chấp nhận một phần rủi ro để được duy trì cuộc sống bình thường đúng nghĩa, và một bên là luôn phập phồng lo sợ trước dịch bệnh, và có thể phải lệ thuộc vào những mũi tiêm nhắc thêm nhiều lần.

Chưa kể, những trải nghiệm kém thoải mái về hành trình tiếp cận 2-3 mũi vaccine trước đó ở những điểm tiêm đông đúc, thủ công có thể vẫn còn, dẫn đến sự không sẵn sàng.

Để thúc đẩy tiêm mũi 3, mũi 4 ở các nhóm nguy cơ cao, giải pháp khắc phục cần nhìn nhận và tiếp cận từ các lý do này, thay vì chỉ tập trung tuyên truyền về sự cần thiết hoặc áp chỉ tiêu số lượng và thời gian.

Mặt khác, câu chuyện về tình hình tiêm mũi 3, mũi 4 không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Trong khu vực và trên thế giới, khi dịch được kiểm soát tốt, các lựa chọn của người dân cũng diễn ra tương tự. 

Việc dự phòng vaccine trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp là cần thiết, nhưng chấp nhận khả năng tiêu hủy số lượng lớn là hết sức bình thường khi tình hình đã thay đổi.

Điều này vừa nhằm đảm bảo tôn trọng quyền lựa chọn của người dân, tránh lãng phí cho khâu bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm khi mở ra rất nhiều điểm tiêm mà rất ít người tới, đồng thời cũng để tránh các áp lực cho ngành y tế và các địa phương liên quan đến việc không sử dụng hết cơ số vaccine được cấp.

Vaccine cùng 5K đã từng được xác định là 2 trụ cột trong cuộc chiến với Covid, sau đó là thuốc, là công nghệ. Trong 5K, chiếc khẩu trang lại là yếu tố đầu tiên, và nó gần như cũng là chữ “K” cuối cùng còn được duy trì đến thời điểm này, trong điều kiện bình thường mới.

Khi một trong hai trụ cột đã thay đổi, thì trụ cột còn lại cũng cần có cách tiếp cận khác, để đảm bảo sự cân bằng.

Cách tiếp cận mới trong quan điểm chỉ đạo, được văn bản hóa và công bố thống nhất, sẽ giúp giải quyết sự lúng túng trong nỗ lực tiêm hết vaccine, gỡ bỏ những áp lực không đáng có.

Vấn đề còn lại là sự cập nhật kịp thời tình hình các biến chủng mới, sự chủ động của vaccine và thuốc điều trị trong nước, và quan trọng hơn hết là năng lực của hệ thống y tế dự phòng.