Chế độ làm việc linh hoạt rơi vào “quên lãng”, ùn tắc quay trở lại

Tại Singapore, giao thông đang trở nên đông đúc hơn đáng kể sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân bởi những thay đổi về mô hình làm việc và mô hình di chuyển đã từng mang lại hiệu quả như trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng đang dần bị “lãng quên”.

Theo số liệu từ Cơ quan Giao thông Vận tải Đường bộ Singapore, lưu lượng giao thông trên đường cao tốc đã đạt khoảng 95% so với mức trước trước dịch COVID-19 vào tháng 5, sau khi nới lỏng hầu hết các hạn chế vào ngày 26/4. Con số này đã tăng từ 90% vào tháng Giêng.

Các tài xế cho biết giao thông nhìn chung trở nên đông đúc hơn đáng kể kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, bao gồm việc cho phép tất cả người lao động trở lại làm việc tại cơ quan.

Từ tháng 1 đến tháng 3, 50% nhân viên làm việc từ xa phải đến nơi làm việc, sau đó tỷ lệ này tăng lên là 75% và hiện tất cả người lao động đã quay trở lại làm việc trực tiếp.

Nhà kinh tế vận tải - PGS Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết, như đã thấy ở các nước khác, lưu lượng giao thông thường tăng lên sau khi các hạn chế do chính phủ bắt buộc được nới lỏng. Điều này cho thấy suy nghĩ về việc tổ chức công việc theo cách linh hoạt sẽ giúp cuộc sống hiệu quả hơn hiện đã thay đổi.

Thông tin về tình trạng tắc nghẽn giao thông do công ty công nghệ định vị TomTom cung cấp từ tháng 2 đến giữa tháng 5 đã cho biết thêm chi tiết về cách mọi người di chuyển trong ngày.

Theo đó, dữ liệu không chỉ cho thấy rằng có nhiều phương tiện lưu thông trên đường hơn trong những tháng gần đây mà còn cho thấy phần lớn lái xe đã chọn đi vào buổi sáng.

Lưu lượng giao thông trên đường cao tốc tại Singapore đã đạt khoảng 95% so với mức trước trước dịch COVID-19 vào tháng 5. Ảnh: AFP

Anh Lee Nian Tjoe, phóng viên chuyên trách về giao thông, phân tích: “Mọi người đang quay trở lại thói quen cũ. Buổi sáng, dậy sớm để đến nơi làm việc, chết dí tại điểm ùn tắc rồi chiều tối lại như vậy.

Tuy nhiên, so với trước dịch COVID-19, giờ cao điểm buổi sáng kéo dài hơn. Nó bắt đầu sớm hơn một chút vào khoảng 6h và kéo dài đến 8h sáng”.

Vào tháng 2, tình trạng tắc nghẽn bắt đầu giảm từ 7h sáng. Vào tháng 5, tình trạng kẹt xe tiếp tục kéo dài thêm một giờ trước khi cải thiện.

Nguyên nhân của sự thay đổi này có thể là do người tham gia giao thông đã thay đổi lịch trình đi lại của họ, rời đi sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian họ muốn để tránh thời điểm tắc nghẽn tồi tệ nhất.

Bà Amy Lee, 49 tuổi, Giám đốc điều hành cấp cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, êu tả việc lái xe vào buổi sáng là một "cơn ác mộng" trong những tuần gần đây. Bà đã thử các tuyến đường khác nhau nhưng chúng đều tắc nghẽn và hành trình thường kéo dài hơn.

Giờ bà rời nhà muộn hơn so với hồi tháng 3. Mặc dù việc lái xe có thể thuận tiện hơn một chút, nhưng bà vẫn phải ở lại văn phòng muộn hơn để hoàn thành công việc trong ngày.

Giao thông trở nên đông đúc hơn đáng kể kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, bao gồm việc cho phép tất cả người lao động trở lại làm việc tại cơ quan. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, bà Chiam Chi Yee, 59 tuổi, Giám đốc một công ty đào tạo, chia sẻ bà bắt đầu đi làm từ 9h sáng, trong đại dịch bà chỉ mất chừng 10 – 15 phút để đến công ty thế nhưng từ tháng 5, mất gần 30 phút.

Vào những ngày có cuộc họp sớm, bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc lái xe vào giờ cao điểm.

Theo bà Chiam Chi Yee, tình hình giao thông đang trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, nếu không muốn nói là như ở mức trước COVID-19. Bà cho rằng một số người có thể đã không lái xe trong một thời gian dài và có vẻ không quen với đường xá.

Về nhà muộn hơn đồng nghĩa với việc dành ít thời gian hơn cho những đứa con đang tuổi đến trường và cần phải đi ngủ sớm.

Bà Amy Lee ngao ngán cho biết: “Bạn có thể thấy rất nhiều xe ô tô trên đường và nó đang tăng lên rất nhiều, các con đường thực sự đang rất tắc nghẽn trong những ngày này".

Dữ liệu cho thấy tắc nghẽn bắt đầu tăng cao từ 4 giờ chiều, tồi tệ hơn cho đến 6 giờ tối hoặc lâu hơn và tình hình giao thông chỉ cải thiện từ 7 giờ tối. Tình trạng ùn tắc cũng cao hơn vào buổi tối so với buổi sáng.

Phó Giáo sư Theseira cho biết ùn tắc vào giờ cao điểm có thể được giải quyết nếu mọi người chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ, cũng như giảm nhu cầu đi lại trong giờ cao điểm.

Ông Theseira nói thêm: “Dữ liệu cho thấy rằng sự sắp xếp công việc linh hoạt đơn giản là không đủ kiên trì hoặc hấp dẫn để cả người sử dụng lao động và người lao động gắn bó."

Còn tại Việt Nam, trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã thực hiện phương án cho người lao động làm việc từ xa. Điều dễ nhận thấy là đường phố trở nên thông thoáng hơn rất nhiều, tình trạng ùn tắc giảm đáng kể.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch đã được kiểm soát, người dân quay trở lại với nhịp sống trước đây, lượng phương tiện lưu thông trên đường lại đông đúc gần như thời điểm trước đại dịch. Không chỉ giờ cao điểm, nhiều tuyến đường ùn tắc kéo dài cả ngày gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc, ngoài câu chuyện quy hoạch, hạ tầng giao thông hay linh hoạt giờ làm việc thì cần thay đổi được ý thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, từ bỏ xe cá nhân để sử dụng giao thông công cộng.